Thống đốc Texas, Greg Abbott, ngày 7/5 ký ban hành luật trừng phạt “những thành phố lánh nạn,” bất chấp lời kêu gọi của cảnh sát trưởng các thành phố lớn nhất trong tiểu bang yêu cầu ngưng đạo luật này vì cho rằng luật gây trở ngại khả năng chống tội phạm.
Luật Texas được ban hành giữa lúc Tổng thống Donald Trump đưa công tác bài trừ di dân bất hợp pháp lên ưu tiên hàng đầu. Texas có khoảng 1,5 triệu di dân bất hợp pháp và có biên giới dài nhất với Mexico hơn bất cứ tiểu bang nào khác, là tuyến đầu trong những cuộc tranh luận về di trú.
“Là Thống đốc, ưu tiên hàng đầu của tôi là an toàn công cộng, và luật này sẽ đẩy mạnh mục tiêu này hơn nữa bằng cách dọn sạch các tội phạm nguy hiểm ra khỏi đường phố của chúng ta,” Thống đốc Abbott nói. Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 năm nay.
Quốc hội tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua dự luật này và đưa dự luật lên ông Abbott trước đây trong tháng. Luật qui định trừng phạt giới hữu trách địa phương không tuân hành những yêu cầu hợp tác với các giới chức di trú liên bang.
Các viên chức cảnh sát vi phạm luật này có thể bị cách chức, bị phạt tiền và bị phạt tù đến một năm, nếu bị kết tội.
Luật cũng cho phép cảnh sát xét hỏi tình trạng di trú của một người khi người này bị câu lưu một cách hợp pháp ngay cả trong các trường hợp vi phạm luật giao thông.
Bất cứ luật lệ nào chống lại ‘thành phố lánh nạn’ đều có thể phải đối mặt với một con đường khó khăn sau khi một thẩm phán liên bang vào tháng 4 vừa qua chặn một lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách giữ lại ngân khoản dành cho các thành phố nào không sử dụng nguồn lực của họ để thực thi luật di trú liên bang.
Đảng Dân chủ đã cảnh báo là luật này có thể đưa đến việc đối xử vi hiến căn cứ trên chủng tộc và các tổ chức nhân quyền cam kết sẽ kiện luật của Texas ra tòa.
“Luật này không tốt cho Texas và sẽ làm cho cộng đồng của chúng ta nguy hiểm hơn cho tất cả mọi người,” cảnh sát trưởng các thành phố kể cả Houston và Dallas viết trong một bài quan điểm đăng trên Báo Dallas Morning News vào cuối tháng 4.
Các cảnh sát trưởng nói di trú là một nghĩa vụ của liên bang và luật sẽ làm căng thẳng thêm những nguồn lực vốn đã nghèo nàn bằng cách biến cảnh sát địa phương thành những nhân viên di trú.
Họ lập luận rằng luật sẽ khoét sâu thêm cách biệt giữa cảnh sát và cộng đồng di dân, tạo nên các nạn nhân câm lặng và hủy diệt khả năng của di dân trong việc giúp giải quyết hay ngăn ngừa tội phạm.