Hai chính khách Đài Loan đang ra nước ngoài, đi về hai phía khác nhau. Bà Tổng thống Thái Anh Văn bay về hướng Đông, trên đường đi thăm hai nước ở Nam Mỹ. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mã Anh Cửu bay sang hướng Tây, qua Trung Quốc viếng đền thờ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Cả hai người đều nhắm ảnh hưởng đến dư luận dân chúng, chuẩn bị cuộc bầu cử năm tới.
Trên đường đi thăm Belize và Guatemala, 2 trong số 13 quốc gia còn quan hệ chính thức với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, bà Thái Anh Văn sẽ ghé qua New York và khi trở về sẽ dừng chân ở Los Angeles, dự định sẽ gặp Dân biểu Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện. Cuộc gặp gỡ này làm Cộng sản Trung Quốc nổi giận.
Trước khi bà Thái Anh Văn rời Đài Bắc, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian,朱鳳蓮), một phát ngôn viên của Bắc Kinh đã đe dọa rằng nếu bà gặp ông McCarthy, “Đó sẽ là một hành động khiêu khích, vi phạm nghiêm trọng quy tắc ‘chỉ có một nước Trung Hoa,’ … phá hoại hòa bình và ổn định trong eo biển Đài Loan… Chúng tôi cực lực phản đối và sẽ có biện pháp trả đũa xứng đáng!”
Tháng Tám năm ngoái, Bắc Kinh cũng đe dọa như vậy trước khi bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan. Trung Cộng đã cho máy bay quân sự và chiến hạm thao diễn ở chung quanh hòn đảo, bắn đạn thật, trong suốt năm ngày.
Trung Cộng đe dọa sẽ có “biện pháp mạnh” nếu bà Thái Anh Văn gặp ông McCarthy. Chính phủ Mỹ phải giải thích rằng đây là một hành động bình thường, và trong sáu lần trước bà đã gặp nhiều đại biểu quốc hội Mỹ. Nhưng ông McCarthy có địa vị cao nhất so với các đại biểu khác, vì ông có thể lên làm tổng thống nếu ông Biden ngưng, đứng hàng thứ nhì ngay sau phó tổng thống Kamala Harris.
Ông Kevin McCarthy lên thay thế bà Pelosi năm ngoái sau khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện, cũng ngỏ ý muốn thăm Đài Loan để chứng tỏ mình cũng quyết liệt chống Trung Cộng. Nhưng chính phủ Đài Loan đã yêu cầu ông đừng tới, chỉ gặp bà Thái Anh Văn ở California cũng đủ. Lý do, cũng vì không muốn chuyện này ảnh hưởng lên cuộc tranh cử ở Đài Loan năm tới.
Tại sao bà tổng thống Đài Loan lại lo như vậy? Vì dân Đài Loan dù muốn sống độc lập ở ngoài nước Trung Quốc nhưng cũng không muốn “gây sự” với Cộng sản Trung Quốc!
Năm tới, dân Đài Loan sẽ bỏ phiếu chọn lựa giữa hai đảng chính: Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Dân Tiến) và Trung Quốc Quốc Dân Đảng. Khi còn làm chủ nước Trung Hoa, Quốc Dân Đảng đã cai trị hòn đảo từ năm 1945 sau khi Nhật Bản thua trận. Năm 1947, dân Đài Loan nổi lên chống, vài chục ngàn người bị tàn sát. Sau khi thua đảng Cộng sản trong lục địa, năm 1949 Tưởng Giới Thạch ban lệnh thiết quân luật, đến đời con là Tưởng Kinh Quốc mới bãi bỏ. Lý Đăng Huy là người đầu tiên sanh trưởng ở Đài Loan làm tổng thống, đã chính thức xin lỗi về “Cuộc tàn sát 28 Tháng Hai” 40 năm trước. Năm 2000, Trần Thủy Biển là người thuộc đảng Dân Tiến đầu tiên đắc cử tổng thống. Năm 2008, ông Mã Anh Cửu, Quốc Dân Đảng, giành lại chức tổng thống; trong 8 năm ông đã ký 23 thỏa ước thương mại với Trung Cộng, mở đường bay trực tiếp, trao đổi sinh viên và các nhà kinh doanh. Đến năm 2016 bà Thái Anh Văn (Dân Tiến) lên thay. Theo hiến pháp, năm tới bà sẽ không được ứng cử.
Trung Cộng luôn luôn tìm cách ảnh hưởng trên các cuộc bỏ phiếu của dân Đài Loan; chống đảng Dân Tiến kịch liệt vì đảng này từng chủ trương Đài Loan độc lập, và ủng hộ Quốc Dân Đảng vì họ vẫn tự nhận là chính quyền của cả nước Trung Quốc thống nhất, như trước năm 1949.
Trung Cộng lợi dụng tâm lý sợ chiến tranh của dân Đài Loan, gây không khí căng thẳng, đe dọa gây chiến nếu đảng Dân Tiến đắc cử. Năm 2000, khi ông Trần Thủy Biển thắng cử, Trung Cộng đã ồn ào thao diễn hải quân và không quân; Mỹ phải đưa các chiến hạm vào vùng eo biển để trấn an dân Đài Loan.
Bắc Kinh đã gây được ảnh hưởng trên dư luận, đến cả các báo ở Đài Loan với các chiến dịch tuyên truyền, tung tin thất thiệt, bôi nhọ. Năm 2020, trước cuộc bầu cử, vài tờ báo loan tải theo tin đồn, rằng Bà Thái Anh Văn đã làm luận án Ph.D. giả, các báo trong lục địa phụ họa và thổi phồng lên. Sau cùng trường London Economics School phải chính thức xác nhận đã chấp thuận luận án của bà. Bà Thái đắc cử với 8.2 triệu phiếu, cao nhất trong lịch sử, nhưng có 20% cử tri vẫn nghĩ rằng luận án của bà là giả mạo.
Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh đã thành công trong dư luận. Trước đây 20 năm, nhiều thanh niên trí thức trong lục địa đã qua Đài Loan nghiên cứu để biết làm cách nào họ đã chuyển từ một chế độ độc tài đảng trị sang thể chế dân chủ, với các cuộc bầu cử tự do thay đổi ngôi vị tổng thống. Nhưng ngày nay, dân Đài Loan không dám nghĩ đến chuyện thay đổi chế độ cộng sản trong lục địa. Ông Lý Minh Trí (Lee Ming-che) qua lục địa gây quỹ trợ giúp gia đình các tù chính trị đã bị Trung Cộng bỏ tù 5 năm về tội “gây rối loạn.” Bà Lý Tịnh Du (Lee Ching-yu) qua Mỹ và Đức vận động đòi trả tự do cho chồng; nhưng báo chí Đài Loan chỉ trích, không muốn bà gây thêm rắc rối! Năm 2022 ông chồng mới được trả tự do, trở về Đài Loan.
Trung Cộng thành công nhất trong việc gieo rắc mối nghi ngờ về chủ trương của Mỹ đối với Đài Loan. Nhiều người tin rằng nếu có chiến tranh, Nhật Bản sẽ giúp Đài Loan nhiều hơn là tin Mỹ sẽ giúp. Báo Economist cho biết tháng 10 năm 2021, có 65% dân Đài Loan tin Mỹ sẽ đưa quân tới bảo vệ họ nếu bị Trung Cộng tấn công. Nhưng một tháng sau khi Nga đánh Ukraine, năm 2022 chỉ còn 35% tin quân Mỹ sẽ đến cứu. Báo chí Đài Loan cũng theo luận điệu của Bắc Kinh, coi nguyên nhân cuộc chiến Ukraine là do khối NATO bành trướng, chứ không phải vì Nga gây ra.
Bà Thái Anh Văn không muốn ông chủ tịch Hạ viện Mỹ qua Đài Loan cũng vì ông đã từng tỏ ý không muốn Mỹ hết sức cứu Ukraine, ông ví như ký một “ngân phiếu trắng.” Nếu dân Đài Loan nghĩ rằng sẽ có ngày Mỹ bỏ rơi Ukraine, thì lòng tin vào nước Mỹ sẽ giảm xuống nhiều hơn. Với mối lo lắng đó, các cử tri sẽ bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng, vì họ được Bắc Kinh ủng hộ, tức là sẽ không lo chiến tranh nữa. Khi gặp nhau ở California trong tuần này, chắc bà Thái Anh Văn sẽ xin ông McCarthy tạm ngưng không tỏ ý muốn giảm bớt viện trợ cho Ukraine; ít nhất, trước ngày dân Đài Loan bỏ phiếu.
Khi qua Trung Quốc, ông Mã Anh Cửu cũng nghĩ đến cuộc bỏ phiếu sang năm. Ông tỏ thái độ hòa hoãn, tuyên bố rằng: “Tất cả chúng ta đều là con cháu Viêm, Hoàng,” danh hiệu hai vị hoàng đế huyền thoại đã dựng nên Hán Tộc. Nhưng dân chúng Đài Loan không nghĩ như vậy.
Theo Taiwan News, những cuộc nghiên cứu dân tình của Đại học Chính trị Quốc gia, Đài Bắc, cho thấy vào năm 1992 có 25% dân Đài Loan tự nhận là người Trung Quốc; 17% tự gọi là người Đài Loan còn 46% nhận cả hai tên gọi. Nhưng đến năm 2020, chỉ còn 3.6% tự nhận là người Trung Hoa; số người coi mình chỉ là người Đài Loan lên tới 64%; và 30% nhận cả hai danh hiệu.
Dù đa số gần hai phần ba không coi mình là người Trung Quốc, nhưng dân Đài Loan vẫn không muốn chiến tranh. Ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh đến tâm lý này, tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng hai bên sẽ cộng tác xây dựng hòa bình, tránh chiến tranh, cùng cố gắng phục hưng nước Trung Hoa.”
Bà Thái Anh Văn đã đáp lại mối lo sợ chiến tranh do Bắc Kinh gây ra bằng những lời cổ động óc tự hào của 26 triệu dân Đài Loan. Bà từng nói, Chỉ có dân chúng Đài Loan nắm quyền quyết định vận mạng của mình. Bà mới nói thêm tại phi trường Đào Nguyên: “Đài Loan sẽ bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ!” Và, “Quyết tâm của Đài Loan hòa nhập vào thế giới sẽ ngày càng mạnh hơn. Chúng tôi bình tĩnh thản nhiên, tự tín, không chịu thua và không kích động.”
Tháng Giêng năm 2024 cử tri sẽ quyết định những lời lẽ của bà Thái Anh Văn và ông Mã Anh Cửu, người nào ảnh hưởng trên lá phiếu của họ mạnh hơn. Đây chính là dấu hiệu cho thấy dân Đài Loan đang sống trong dân chủ tự do thật sự!