Đối với Mục sư Robert Htway, ngày bầu cử 7 tháng 11 chẳng có bao nhiêu lợi ích, ngược lại rất nhiều điều đáng sợ.
Ông Htway là một mục sư thuộc nhóm thiểu số Tin lành Baptist thuộc sắc tộc Karen tại trại Mae Rah Moe ở miền Bắc Thái Lan, và cũng là chủ tịch Ủy Ban Tỵ Nạn Karen.
Tại Thái Lan có hàng chục ngàn người chạy trốn từ Miến Điện và sống trong những trại tỵ nạn cùng các thị trấn ngay biên giới. Mục sư Htway cho biết số người tỵ nạn chẳng bao lâu sẽ gia tăng.
Theo ông thì quân đội Miến Điện sẽ tung ra những cuộc hành quân đánh vào các toán du kích thuộc cộng đồng thiểu số dọc đường biên giới ngay khi xong cuộc bầu cử.
Ông cũng nói, chính phủ Thái đã yêu cầu các nhóm cứu trợ tỵ nạn chuẩn bị lán trại để đón tiếp những người mới:
“Căn cứ vào hoạt động quân sự, họ sẽ gửi thêm quân đội đến biên giới. Cho nên người ta thấy rằng, nếu có giao tranh thì sẽ có nhiều người băng qua biên giới. Và chúng tôi cũng thấy là chính quyền Thái tại Mae Sot họp bàn và yêu cầu các tổ chức phi chính phủ là chuẩn bị sẵn chỗ tại tỉnh Tak để đón tiếp.”
Mục sư Htway lo ngại là số người chạy qua Thái Lan có thể lên tới 6.000 người, cộng thêm số người tỵ nạn cũ đã lên tới 120.000.
Trong nhiều thập niên, chính phủ Miến Điện nhiều phen đánh phá các nhóm thiểu số tại các khu vực biên giới. Một số những nhóm đó có vũ trang chặt chẽ, và nói họ đấu tranh bởi vì chính phủ không chịu đáp ứng những lời hứa hẹn từ 60 năm trước là dành cho họ thêm quyền tự trị.
Chính phủ thì nói họ cần ngăn chặn các nhóm vừa nói chia rẽ đất nước.
Vào ngày 7 tháng 11, Miến Điện sẽ tổ chức cuộc bầu cử trên cả nước đầu tiên kể từ 20 năm. Quân đội Miến nói rằng đây là một bước chuyển tiếp tiến đến dân chủ.
Nhưng nhiều nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ Miến Điện cho rằng cuộc bầu cử chỉ nhằm để cho quân đội tiếp tục nắm quyền. Hiến pháp mới dành cho quân đội 25% ghế tại quốc hội. Vì những hạn chế đối với các nhóm đối lập, các đảng được quân đội hậu thuẫn dự kiến sẽ đoạt phần lớn những ghế còn lại.
Nhiều cộng đồng thiểu số nói rằng họ dự kiến sẽ bị quân đội tấn công vì không chịu gia nhập lực lượng quốc gia.
Những nhóm sắc tộc như Karen, Kachin, Wa và Shan có thể phải sẵn sáng nghênh chiến. Tất cả các nhóm này có số quân khoảng 65 ngàn người.
Tại Thái Lan, các nhà hoạt động Miến Điện và dân tỵ nạn đều cho rằng hầu như toàn bộ các nhóm thiểu số dọc biên giới đều đối mặt với thời kỳ gay go trong những tháng sau bầu cử.
Ông Bo Kyi, thuộc một nhóm giúp đỡ tù nhân chính trị Miến Điện nói:
“Số người bị dời cư trong nước không chỉ vài trăm người mà lên tới ít nhất 500.000 ngàn người. Nay chính quyền quân sự đang định tấn công các lực lượng thiểu số vũ trang, họ sử dụng dân làng để khuân vác và gỡ mìn. Sau bầu cử sẽ có xung đột nhiều hơn tại nhiều khu vực thiểu số; cho nên chúng tôi thật sự lo lắng cho những người sống tại các khu vực đó. ”
Mặc dù có những mối lo liên quan đến cuộc bầu cử, một số các phân tích gia và ứng cử viên trong vùng nói rằng cuộc bầu cử là cơ hội đầu tiên trong bao nhiêu năm nhằm khởi sự cải tổ chính trị tại Miến Điện.
Tuy vậy, ông Nya Thu Kyaw, thành viên Ủy Ban Tỵ Nạn Karen, nói rằng cuộc bầu cử sẽ đem lại rất ít thay đổi:
“Sẽ chẳng có thay đổi đặc biệt nào đem lại hạnh phúc cho các nhóm thiểu số sắc tộc, bởi vì theo tôi, đó chỉ là con sói khoác da cừu nó sẽ y như trước, chẳng có gì thay đổi.”
Đối với nhiều cộng đồng thiểu số, cuộc bầu cử thậm chí không hề diễn ra. Chính phủ Miến Điện nói rằng quan ngại về an ninh buộc họ phải đình hoãn cuộc bầu cử tại 3.400 ngôi làng tại các vùng biên giới do các nhóm sắc tộc kiểm soát. Quyết định này khiến 1 triệu rưỡi dân chúng không thể đi bầu.
Các nhóm tỵ nạn tại Thái Lan e ngại quân đội Miến Điện đang chuẩn bị tung những cuộc hành binh chống lại những nhóm vũ trang thiểu số sau cuộc bầu cử tại Miến. Như Thông tín viên Ron Corben tường trình từ tỉnh Mae Sot, các nhóm tỵ nạn cảm thấy cộng đồng thiểu số tại Miến Điện có nhiều bất lợi sau cuộc bầu cử tại Miến.