Một bộ trưởng Thái Lan cho biết hôm 28/8 rằng nước này sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để thực thi nghiêm ngặt các quy định hiện hành nhằm ngăn chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang đe dọa ngành sản xuất và nền kinh tế vốn đã yếu kém.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh có cảnh báo rằng nhiều doanh nghiệp Thái Lan có thể không tồn tại được sau cái mà hiệp hội sản xuất chính gọi là cơn sóng thần hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, vốn đã góp phần khiến gần 2.000 nhà máy phải đóng cửa tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trong năm ngoái.
Nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay nhờ du lịch và xuất khẩu, nhưng sẽ bị kéo tụt hậu do tình hình sản xuất kém. Sản lượng nhà máy trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 2,01% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Thương mại tạm quyền Phumtham Wechayachai cho các phóng viên biết rằng Thái Lan sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 28 cơ quan chính phủ và họ sẽ họp hai tuần một lần để xem xét cũng như sửa đổi các quy định nhằm ngăn chặn việc phân phối hàng hóa bất hợp pháp.
"Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp hiện có một cách rộng rãi hơn", ông Phumtham cho biết, đồng thời nói thêm rằng các quy định này tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu.
Theo bộ trưởng thương mại Thái Lan, các biện pháp khác bao gồm tăng số lượng hàng hóa được kiểm soát theo luật công nghiệp và dược phẩm và tăng tần suất kiểm tra container ngẫu nhiên.
Vào tháng 6, Thái Lan đã áp dụng thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (44 USD).
Nhưng việc công ty thương mại điện tử Trung Quốc TEMU ra mắt tại Thái Lan vào tháng 7 đã làm dấy lên nỗi lo ngại mới trong các doanh nghiệp nhỏ rằng hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn sẽ tàn phá doanh nghiệp của họ.
Theo ông Phumtham, chính phủ Thái Lan cho biết họ đang thảo luận với đại sứ quán Trung Quốc về những lo ngại về việc tuân thủ luật thuế địa phương của nền tảng trực tuyến này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
“Chúng tôi không phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia nào, nhưng sẵn sàng điều chỉnh nếu các quy tắc hiện hành không thể giải quyết những vấn đề này và mối quan tâm của xã hội," ông Phumtham nói.
Tuần trước, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã kêu gọi "những bước đi nhỏ của chủ nghĩa bảo hộ" để chống lại làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, trong bài phát biểu chỉ vài ngày sau khi con gái ông, Paetongtarn Shinawatra, được bổ nhiệm làm thủ tướng.