Mục tiêu của Thái Lan được phác họa trong một kế hoạch phát triển năng lượng mới, tăng gần như gấp đôi mức sản xuất năng lượng của nước này trong thập niên tới. Để thực hiện điều này, cần phải xây dựng ít nhất là hai nhà máy điện hạt nhân.
Ông Tara Buakamsri, chuyên viên của nhóm hoạt động môi trường Hòa bình Xanh, cho biết con đường hạt nhân chỉ là một trong nhiều phương án chính phủ Thái xét đến trong chiến lược năng lượng.
Ông Tara nói: “Thái Lan muốn đa dạng hóa vì hiện nay nước này phụ thuộc quá nhiều vào dầu hỏa, khí đốt; do đó Thái Lan muốn có thêm những nhà máy phát điện mới chạy bằng than đá và hạt nhân. Hiện nay, Thái Lan đề nghị xây dựng từ 5 đến 7 lò phản ứng hạt nhân trong kế hoạch phát triển điện năng. Đây là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi của kế hoạch phát triển điện năng trong vòng 20 năm tới.”
Một cuộc nghiên cứu về chi phí và rủi ro của nhà máy điện hạt nhân sẽ được thực hiện và trình lên nội các Thái Lan cứu xét vào năm 2011.
Ông Tara nhận xét: “Các tổ chức xã hội dân sự sẽ có một năm để tranh luận về năng lượng hạt nhân của Thái Lan. Đây là một điều không dễ dàng gì cho chính phủ- cho dù có sự thay đổi về chính trị- nếu chính phủ muốn tiếp tục đẩy Thái Lan vào con đường hạt nhân.”
Một giải pháp khác trong kế hoạch phát triển điện lực đối với Thái Lan là kiếm thêm năng lượng của các nước láng giềng như Lào, Miến Điện và Trung Quốc qua các nhà máy điện chạy bằng khí đốt hay thủy điện. Cách này có thể đáp ứng được khoảng 25% năng lượng cần thiết của Thái Lan.
Tuy nhiên những nhà hoạt động cho môi trường nêu lên những lo ngại khi Thái Lan phải phụ thuộc vào điện năng của nước ngoài.
Họ cũng quan tâm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Miến Điện khi chính phủ nước này khai hoang đất đai để dùng cho các dự án thủy điện.
Với giá dầu tăng cao trong những năm tới, Thái Lan cũng như nhiều nước đang phát triển khác muốn cắt giảm số xăng dầu nhập khẩu.
Bộ Năng lượng Thái Lan đang đẫn đầu nỗ lực tìm nguồn xăng dầu thay thế, nhất là đối với các loại ôtô.
Ông Twarath Sutubutr, phó Vụ trưởng lo về chương trình năng lượng thay thế của bộ này cho biết chính phủ muốn tăng cường vai trò của những nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Twarath nói: “Kế hoạch chiến lược này có một mục tiêu là tăng cường tỉ lệ năng lượng tái tạo từ 6 % lên đến 20% trong vòng 15 năm tới. Trong kế hoạch đặc biệt này, chúng tôi phân biệt từng công nghệ khác nhau và chú trọng đến năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, khí sinh học, dầu sinh học, chất thải được xử lý và sử dụng khí đốt được nén lại để chạy máy.”
Trong một vài năm tới, chính phủ hy vọng sẽ thấy có khoảng 1 triệu xe dùng các loại năng lượng khác nhau chạy trên đường phố, trong đó có cả khí ethanol.
Ông Kiat Sitteeamorn, Trưởng Văn phòng Đại diện Thương mại Thái Lan nói các loại nhiên liệu thay thế là phương cách giúp phát triển khu vực nông thôn, bởi vì những loại xăng dầu này được chế biến từ bột sắn hay dầu cọ.
Ông Kiat nói: “Thái Lan là một trong những nước ASEAN đang thực hiện chương trình dùng bột sắn chuyển thành dầu sinh học. Hiện loại dầu này được dùng rộng rãi trong các loại xăng 95 và 91. Do đó chúng tôi khám phá ra rằng loại dầu sinh học này giúp giữ cho giá bột sắn ở mức độ cao.”
Kế hoạch năng lượng mới này đặt ra một chỉ tiêu đầu tư ở mức hơn 11 tỉ đô la và có thể tạo ra hơn 40 ngàn công ăn việc làm. Khi cắt giảm nhập khẩu xăng dầu, Thái Lan có thể tiết kiệm được 14 tỉ đô la.
Ông Twarath nói bước thứ hai là khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào chương trình này.
Ông giải thích: “Chúng tôi tin là chúng tôi có nguồn tài nguyên dồi dào và nguồn nhân lực phong phú trong lãnh vực năng lượng sinh học; và chúng tôi tin là sẽ có nhiều đầu tư tại Thái Lan trong lãnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên nếu các bạn muốn tôi chọn loại năng lượng nào như là năng lượng tái tạo cho Thái Lan thì tôi có thể nói năng lượng sinh học đứng đầu.”
Ông Direk Lavansiri, người đứng đầu Ủy ban Quản lý Điện lực của Thái Lan cho biết là các nhà đầu tư quan tâm vào lãnh vực năng lượng mặt trời và gió.
Ông Direk nói: “Cho tới nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến năng lượng tái tạo. Tỷ lệ cao nhất thuộc về năng lượng mặt trời và gió. Hai loại này vượt quá chỉ tiêu nhiều megawatt so với kế hoạch.”
Trong khi kế hoạch năng lượng của chính phủ tốn kém thì những nhóm hoạt động cho môi trường như tổ chức Hòa bình Xanh cho biết chính phủ sẽ gặp nhiều thách đố quan trọng.
Đầu tiên là chính phủ cần phải quyết định là có muốn phân tán các nguồn năng lượng hay không, bằng cách sử dụng những dự án nhỏ hay là đầu tư vào những hệ thống tốn kém như các nhà máy điện hạt nhân chẳng hạn.
Tổ chức này cũng nói là chính phủ Thái Lan cần phải làm việc với các cộng đồng để tạo nên sự đồng thuận trong việc xây dựng những nhà máy điện và những cơ sở năng lượng mới.
Như nhiều nước đang phát triển khác, Thái Lan đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí nhập cảng tốn kém. Theo như tường trình của Thông Tín Viên VOA Ron Corben từ Bangkok, một kế hoạch mới của chính phủ bao gồm năng lượng hạt nhân, dầu sinh học, và năng lượng mặt trời được xem như là nguồn năng lượng trong tương lai của Thái Lan.