Quốc hội Thái bầu bà Yingluck Shinawatra làm Thủ tướng

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan Yingluck Shinawatra

Quốc hội Thái Lan vừa bầu bà Yingluck Shinawatra làm nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben, thách thức đầu tiên với nữ chính trị gia mới này là đảm bảo sự ổn định cùng với việc bầu chọn một tân nội các và phải làm tốt những lời hứa hẹn đưa ra khi tranh cử.

Quốc hội Thái Lan, trong phiên họp đặc biệt của Hạ viện hôm nay, đã bầu bà Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, từng là một nữ doanh nhân, vào chức vụ Thủ Tướng thứ 28 của quốc gia.

Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranont loan báo kết quả cuộc biểu quyết tại Hạ viện, với 296 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 197 phiếu trắng.

Đảng Pheu Thai của bà Yingluck chiếm 265 ghế trong tổng số 500 ghế ở Hạ viện, cùng với các đối tác liên minh nâng tổng số ghế mà tân chính phủ nắm giữ lên thành 300.

Việc bầu chọn bà Yingluck tại Hạ viện Thái hôm nay diễn ra 1 tháng sau cuộc bầu cử dẫn tới chiến thắng của đảng Pheu Thai.

Lãnh tụ của đảng, ông Yongyuth Wichaidith, hôm nay nói rằng lòng tin của dân chúng đối với chính phủ tập trung vào khả năng nhà nước đưa ra các chương trình chính sách.

Ông nói: “Điều này tùy thuộc vào chúng tôi. Nếu chúng tôi có thể tạo ra những gì tốt nhất cho dân chúng, cho an sinh của người dân và an ninh của quốc gia thì có nghĩa là không có vấn đề. Tùy thuộc chúng tôi, chứ không phải bất kỳ một yếu tố nào khác.”

Nhưng theo giới phân tích, bà Yingluck đang đối mặt trước các thử thách quan trọng khi chuẩn bị coi sóc một tân chính quyền. Bà là em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và hiện đang sống lưu vong vì đối mặt với án tù 2 năm về tội tham nhũng ở Thái Lan.

Theo tin tức báo chí, cả ông Thaksin và người vợ trước của ông là bà Pojaman na Pombejra đều được cho là cố vấn cặn kẽ cho bà Yingluck trong quá trình chọn lựa thành viên nội các.

Ông Thaksin vẫn là một hình tượng gây chia rẽ trong bức tranh chính trị Thái Lan. Giai cấp trung lưu thành thị tố cáo ông lạm dụng quyền lực và vi phạm nhân quyền trong thời gian nắm quyền.

Ông được lòng dân nhờ các chính sách kinh tế dân túy trong lúc cầm quyền.

Trong hai năm qua, các ủng hộ viên của ông Thaksin do phong trào áo đỏ lãnh đạo, đã tiến hành các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, gây ra tình trạng bạo động chính trị tệ hại nhất trong vòng 20 năm nay, với hàng chục người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. Tuy nhiên, phong trào áo đỏ cũng giữ một vai trò quan trọng trong chiến thắng của đảng Pheu Thai và hiện đang đòi các vị trí trong nội các.

Lãnh đạo của chính phủ vừa ra đi, ông Abhisit thuộc đảng Dân chủ, nhấn mạnh chính phủ mới cần cấp bách giải quyết các vấn đề của quốc gia cũng như ngăn không để tái diễn tình trạng cực đoan chính trị.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục là một đảng đối lập có trách nhiệm và xây dựng. Nhưng mọi việc bây giờ nằm trong tay của chính phủ mới và tôi không thể nói thay họ, đặc biệt là về nhu cầu đạt được một sự cân bằng với phe áo đỏ, mà tôi cho là yếu tố hỗ trợ cho nền tảng của họ, đồng thời cũng phải đảm bảo là đất nước không đi vào con đường cực đoan.”

Ông Sunai Pasuk, đại diện tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ở Thái Lan, cho rằng dù đảng của bà Yingluck chiếm một vị trí vững mạnh trong quốc hội, nữ Thủ tướng phải đối diện thử thách trong việc thực hiện những lời hứa trong cương lĩnh tranh cử như tăng mức lương tối thiểu và nâng giá gạo cho nông dân.

Ông Sunai Pasuk nhận định: “Xét về kinh tế, mang lại an sinh xã hội và tất cả những vấn đề này sẽ trở lại thách thức tính chính trực và sự khả tín của chính phủ. Cho nên, nếu nảy sinh điều gì có thể thách thức sự ổn định trong chính phủ của bà Yingluck thì đó là do những lời cam kết về chính sách do chính bà đưa ra, liệu chính phủ của bà có thể làm tròn những lời hứa đó hay không. Đó sẽ là một cuộc trắc nghiệm lớn mà bà phải đối mặt.”

Bà Yingluck sẽ loan báo nội các trong vài ngày tới trước khi danh sách đầy đủ liệt kê tên các viên chức được đệ trình lên quốc vương phê duyệt, tạo điều kiện cho tân chính quyền bắt đầu vận hành.