Tình trạng kẹt xe nổi tiếng ở Bangkok đã trở lại sau nhiều tuần lễ căng thẳng bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ tại trung tâm thành phố.
Thị trường chứng khoán, các ngân hàng lớn và trường học đã mở cửa trở lại, mặc dù lệnh giới nghiêm vẫn được áp đặt trong thành phố và ở một số tỉnh.
Các giới chức chính phủ ước tính rằng hai tháng biểu tình ở Bangkok cùng với cuộc trấn áp của quân đội hồi tuần trước chấm dứt những cuộc biểu tình này, đã làm thiệt hại khoảng 5 tỷ đôla cho nền kinh tế. Họ nói rằng vụ việc sẽ làm giảm tới 1,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm 10% doanh thu từ du lịch.
Ít nhất 88 người đã thiệt mạng trong hàng loạt các vụ bạo động kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng Ba, trong đó gồm cả những người biểu tình, lực lượng an ninh và ký giả. Khoảng 1.900 người khác cũng đã bị thương.
Hôm nay, các tổ chức nhân quyền đã bắt đầu tiến hành điều tra về cuộc biểu tình và sự phản ứng của chính phủ. Hàng chục luật sư trẻ với sự lãnh đạo của Hiệp hội Luật Thái Lan, đang phỏng vấn những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình.
Ông Somchai Homla-or, một luật sư nhân quyền và là thành viên của Hiệp hội Luật, nói rằng nhiều người đã trở thành nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền. Ông kêu gọi chính phủ thực hiện lời hứa rằng họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập về các vụ vi phạm nhân quyền trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng.
Ông Somchai nói: “Một cơ quan độc lập cần phải điều tra về những gì đã xảy ra trong hai, ba tháng qua để tìm hiểu sự thật. Chúng tôi tin rằng nếu đất nước chúng tôi muốn xây dựng quá trình hòa giải thì sự thật là điều rất quan trọng, nếu không thì các bên tranh chấp sẽ chỉ đổ lỗi lẫn nhau mà thôi.”
Thậm chí khi các tổ chức nhân quyền bắt đầu tiến hành điều tra, Bộ Tư pháp vẫn bố ráp những nơi có liên hệ với những người biểu tình, trong đó có các văn phòng của các tạp chí chống chính phủ.
Ông Somchai nói rằng chính phủ phải thực hiện những cải cách về hiến pháp và chính trị để đảm bảo sự thành công của những nỗ lực hòa giải. Ông nói rằng ngoài ra chính phủ cũng phải cho phép các chính trị gia bị cấm đoán nối lại hoạt động chính trị của họ.
Ông Somchai cho biết: "Cơ cấu chính trị của chúng ta cần phải cởi mở hơn đối với các nhóm chính trị. Nếu không để những chính trị gia đó tham gia vào tiến trình dân chủ thì tôi không tin là chúng ta có thể giải quyết được xung đột. Họ sẽ sử dụng những phương pháp có thể là bạo động hoặc dẫn tới bạo động hay bất hợp pháp.”
Theo luật Thái Lan, các lãnh đạo một đảng chính trị bị cấm tham gia vào chính phủ hay các cuộc bầu cử vài năm nếu họ bị phát hiện vi phạm luật tranh cử.
Những người Áo Đỏ xuống đường biểu tình chống chính phủ khiếu nại rằng luật này đã được áp dụng một cách bất công để cấm các ứng viên và các giới chức mà họ ủng hộ, trong khi các cáo giác về hành vi bất hợp pháp đối với Đảng Dân chủ cầm quyền và các đối tác trong liên minh của họ thì vẫn chưa được điều tra.
Những người biểu tình phần lớn ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, người bị lật đổ hồi năm 2006. Họ đòi chính phủ từ chức và kêu gọi tổ chức ngay cuộc bầu cử mới cũng như khước từ một thỏa hiệp về việc tổ chức bầu cử vào tháng 11.
Chính phủ cáo buộc ông Thaksin đã dàn dựng các cuộc biểu tình, và phải chịu trách nhiệm về những vụ đốt phá và làn sóng bạo lực mà một số người biểu tình đã phát động khi quân đội phá bỏ lều trại của họ hồi tuần trước. Ông Thaksin đã bác bỏ cáo giác này.
Bangkok bắt đầu trở lại bình thường với tình trạng giao thông náo nhiệt thay thế cho những đám cháy và các con phố vắng vẻ mà người ta chứng kiến hồi tuần trước, khi lực lượng an ninh đụng độ với những người biểu tình chống chính phủ. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Ron Corben từ thủ đô của Thái Lan, các tổ chức nhân quyền nói rằng nước này sẽ chỉ hoàn toàn phục hồi từ các cuộc biểu tình nếu họ có thể hàn gắn những sự chia rẽ xã hội sâu sắc bằng việc tiến hành những cải cách chính trị đáng kể.