Mỗi năm, có hàng ngàn người Rohingya từ Bangladesh và bang Arakan của Miến Điện bỏ trốn để tránh sự ngược đãi ở Miến Điện và sự nghèo khó ở Bangladesh.
Hơn 25 ngàn người Rohingya sống ở Bangladesh trong các trại đặt dưới sự giám sát của Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc.
Nhưng có 200 ngàn người khác sống trong tình trạng bẩn thỉu bên ngoài các trại mà không được sự trợ giúp. Gần đó, trong bang Arakan của Miến Điện, các tổ chức nhân quyền nói rằng cộng đồng Hồi giáo Rohingya phải đối mặt với mối đe dọa bị quân đội Miến Điện ngược đãi.
Sau mùa mưa mỗi năm, nhiều người Rohingya đã trả tiền cho bọn buôn người để đưa họ bằng tầu thuyền qua Đông nam châu Á, nơi họ hy vọng tìm được đời sống tốt đẹp hơn.
Năm nay không phải là một ngoại lệ.
Tổ chức Human Rights Watch cho hay có tới 10 chiếc tầu đã ra khơi. Trong tuần này, cảnh sát hàng hải Indonesia đã cứu khoảng 129 người Rohingya đã trôi dạt nhiều ngày sau khi máy tầu bị hư.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh ở châu Á của Human Rights Watch, cho biết có ít nhất 3 chiếc tầu đã cập vào nam bộ Thái Lan, chở hơn 220 người.
Ông nói: “Người tỵ nạn đến được bờ biển Thái Lan phải được tiếp đón và chăm sóc. Có nhiều mối quan ngại mà tôi muốn nói thêm là có những chiếc tầu khác vẫn còn ở ngoài khơi và vì thế không rõ liệu Hải quân Thái chẳng hạn có chận bắt một tàu khác không, và họ sẽ làm gì. Chúng tôi được báo cho biết có từ 9 đến 10 tầu đã rời khỏi Bangladesh.”
Trước đây, hải quân Thái đã bị chỉ trích là buộc các tầu chở người Rohingya quay trở ra biển.
Tuần trước, giới hữu trách Ấn Độ đã cứu 91 người Rohingya trong vùng biển Andaman; tin cho hay nhiều người đã bị đói khát và mất nước. Người tỵ nạn than rằng họ đã bị hải quân Thái đẩy trở ra khơi. Tổ chức Human Rights Watch nói cuộc tìm hiểu của họ xác nhận cho lời than phiền này.
Nhưng các giới chức Thái Lan lại nói với Liên hiệp quốc rằng người Rohingya không bị ngược đãi. Bộ Ngoại giao Thái Lan cho hay người Rohingya than rằng các giới chức Miến Điện và Thái Lan đã trục xuất họ tại một cửa khẩu biên giới trong tỉnh Ranong. Bộ Ngoại giao Thái nói họ không biết nhóm này di chuyển cách nào sau khi rời khỏi lãnh thổ Thái.
Các giới chức di trú Thái đang giữ 135 người Rohingya, kể cả một số trẻ em, đã đổ bộ từ 2 chiếc tầu lên bờ biển miền nam.
Hội đồng Luật gia Thái nói rằng các quyền pháp lý của người Rohingya cần phải được thừa nhận và không nên tự động gửi trả họ về nước. Ông Surapong Kongchantuk, chủ tịch tiểu ban về các sắc dân thiểu số và công nhân di trú thuộc Hội đồng này, nói rằng các vụ việc này phải được đưa qua tiến trình tư pháp.
Ông Surapong nói các nhân viên di trú đang vi phạm luật pháp khi buộc người di trú phải trở về nước. Ông nói họ đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp, nhân viên di trú phải tiến hành các biện pháp thích đáng bằng cách liên hệ với quốc gia gốc, như Bangladesh chẳng hạn.
Một tổ chức hàng đầu về nhân quyền nói rằng có tới 10 chiếc thuyền chở người Rohingya đi tỵ nạn đã ra khơi từ Bangladesh trong mấy tuần vừa qua, với hy vọng đến được các nước trong vùng Đông nam châu Á. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các tổ chức nhân quyền và hội đồng luật gia Thái Lan đang kêu gọi dành cho người Rohingya sự bảo vệ và trợ giúp pháp lý nhiều hơn.