Cảnh sát Anh và Bỉ đang điều tra một đường dây buôn người đa quốc chuyên đưa lậu người sang các nước phương Tây, báo Brussels Times dẫn lời các giới chức Bỉ cho biết.
Tin này được tung ra giữa lúc nhà chức trách của hai nước đang tiến hành điều tra vụ 39 xác chết được phát hiện trong thùng lạnh của một xe tải ở hạt Essex bên Anh, và ra dấu hiệu sẽ dồn nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động buôn người của các băng đảng tội phạm có tổ chức tại các bến cảng ở Anh và ở Bỉ.
Theo một bản tin của đài ABC- Úc Châu hôm 29/10 thì có phần chắc đường dây buôn người này có căn cứ tại Bắc Ireland.
Hôm 23/10, thi thể của 38 người lớn và 1 thiếu niên đã đuợc tìm thấy trong thùng lạnh của một xe tải tại Grays, hạt Essex. Tin tức cho hay những nạn nhân xuất phát từ thị trấn ven biển Zeebrugge bên Bỉ tới cảng Purfleet ở Essex bên Anh. Thảm kịch này đã phơi bày mặt trái của nạn buôn người, trong đó các nạn nhân phải chi ra hơn 30.000 bảng Anh để lẻn vào vương quốc Anh.
Theo the Sun của Anh thì cho tới nay, có 28 gia đình Việt Nam tin là họ có thân nhân đã chết trong chiếc xe tải ở Essex. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất được cho là Nguyễn Huy Hùng, 15 tuổi.
Tờ báo tường thuật rằng một số thân nhân có biết về những kẻ buôn người đàng sau vụ này, nhưng nhiều gia đình không dám lên tiếng vì bị các băng đảng địa phương hăm dọa.
Báo The Sun nói công an Việt Nam đang điều tra một trùm băng đảng được cho là có dính líu trong các hoạt động buôn người, từng làm giàu qua các hoạt động buôn người Việt sang các nước như Anh và Mỹ.
Báo The Sun hôm 30/10 tiết lộ ông trùm này họ Trương, tuy cầm đầu băng đảng ở Việt Nam, nhưng hợp tác với tổ chức tội phạm Đầu Rắn của Trung Quốc. Tổ chức tội phạm này do một phụ nữ thành lập. Bà này là Jing Ping Chen, còn gọi là Sister Ping, được coi là 'mẹ đỡ đầu' của tổ chức Đầu Rắn. Đầu Rắn được cho là có dính líu trong cái chết của 58 công dân Trung Quốc bị đưa lậu sang Anh vào năm 2000, và chết trong các điều kiện tương tự như 39 nạn nhân trong vụ buôn người tuần trước.
Trong vụ buôn người năm 2000, 60 người Trung Quốc tham gia một cuộc hành trình tương tự trên một xe tải đông lạnh, cũng xuất phát từ Bỉ, mỗi người phải trả 20.000 bảng Anh- tương đương với 37.691 USD để mua một vé trên chuyến đi tới cõi chết.
Những nạn nhân trước hết bay tới Belgrade, thủ đô Serbia, sau đó được đưa bằng phà sang Hungary, Áo, Pháp và Hà Lan. Tại Rotterdam, họ bị đẩy vào thùng lạnh của xe tải, và chết ngạt trong vòng vài giờ đồng hồ. Chỉ có 2 người sống sót.
Cảnh sát hạt Essex đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác như Bộ Nội vụ, Cơ quan Phòng chống tội phạm, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Nhập cư và biên phòng để mở rộng điều tra về vai trò của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia trong vụ 39 người chết trong xe container ở Essex.
Nhà chức trách đang truy lùng 2 anh em được cho là có liên lụy trong vụ 39 cái chết trong xe tải. Hai anh em Ronan Hughes và Christopher Hughes điều hành một dịch vụ vận tải hàng hóa ở biên giới Bắc Ireland. Ronan bị cáo buộc là người đã cho mướn chiếc xe tải đông lạnh được dùng để chuyên chở các nạn nhân đã chết thảm ở Anh, nhưng không có bằng chứng cho thấy họ biết hoặc tham gia âm mưu buôn người.
Đài ABC- Úc Châu dẫn lời dân biểu Anh Vernon Coaker thuộc Ủy ban Quốc hội đặc trách nạn buôn người nói rằng đây là một kỹ nghệ quy mô, mang về lợi lộc lớn cho các tổ chức tội phạm. “Nhiều người cho rằng buôn người mang về nhiều lợi lộc cho những kẻ tội phạm đó hơn cả các hoạt động buôn bán ma túy”, ông nói.
Trong khi các số liệu chính thức đưa ra con số nạn nhân của nạn buôn người ở nước Anh là trên dưới 7000 người, Dân biểu Coaker cho rằng quy mô của vấn nạn buôn người nghiêm trọng hơn nhiều.
Ông Coaker nói: “Con số ấy chỉ đại diện cho phần nổi của cả một tảng băng chìm.”
Trước thảm kịch ở Essex tuần trước, một thảm kịch tương tự đã xảy ra vào năm 2000, khi 60 người Trung Quốc thực hiện một cuộc hành trình tương tự trên một xe tải đông lạnh, cũng xuất phát từ Bỉ. Chỉ có 2 người sống sót. Lần đó, mỗi người phải trả 20.000 bảng Anh- tươngđương với 37.691 USD để mua một vé trên chuyến đi tới cõi chết.
Những nạn nhân trước hết bay tới Belgrade, thủ đô Serbia, sau đó họ được đưa bằng phà sang Hungary, Áo, Pháp và Hà Lan. Tại Rotterdam, họ bị đẩy vào thùng lạnh của xe tải, và chết ngạt vài giờ đồng hồ sau đó.
Sau vụ này, nhà chức trách các nước liên quan đã tìm cách ngăn chận di dân bất hợp pháp tại các địa điểm trung chuyển như cảng Dover ở Anh và Calais ở Pháp. Cảnh sát đã phá hủy các trại tị nạn trong các khu rừng ở Calais, nơi nhiều người tị nạn ẩn náu trong khi chờ cơ hội lẻn vào nước Anh.Từ đó những kẻ buôn người đã tìm những tuyến đường khác.
Một giới chức Anh giải thích:
“Zeebrugge là một cảng vận chuyển hàng hóa bằng container, do đó cơ quan chức năng không tập trung tìm di dân lậu, mà chỉ kiểm tra xem hàng hóa có được trả thuế và có hợp lệ hay không. Do đó tuyến đường này trở thành một tuyến đường hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm.”
Dân biểu Coaker nói các chính phủ cần hợp tác với nhau và phải linh động hơn.
“Đương nhiên chúng tôi sẽ tăng cường an ninh tại Zeebrugge và Rotterdam và ngay tại Hull hoặc ở Purfleet… nhưng những kẻ buôn người sẽ tìm ra những tuyến đường khác.”
Ông kêu gọi một chiến dịch đa quốc gia, chống các đường dây buôn người của các nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế.