Tham nhũng: Vòng tròn bất tử*

Nhà nước có thể thất thoát 400 tỷ ĐVN để mua một công ty đang trên đà phá sản.

Tham nhũng từ xưa tới nay là vấn nạn khó giải quyết nhất đối với mọi chính phủ của các nước đang phát triển. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm trong thể chế dân chủ của chính quyền ấy. Càng dân chủ thì vấn nạn tham nhũng càng ít đi.

Nhiều người so sánh các nước khu vực Đông Nam Á với Việt Nam và cho rằng dù sao thì tham nhũng tại Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước khác khi lãnh đạo của họ công khai xài tiền ngân sách do tham nhũng với con số kinh khủng không thể tưởng tượng chỉ sau khi họ bị lật đổ thì số tiến ấy mới bị phát hiện ra con số chính xác.

Tổng thống Suharto của Indonesia sau khi bị lật đổ bị phát hiện có tài sản gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia. Cựu Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines thì biển thủ 100 tỷ dollar, Ông Najib Razak cựu Thủ tướng Malaysia đang đối diện cáo buộc lạm dụng chức vụ và tham ô, đã tự tiện chuyển vào tài khoản riêng số tiến 628 triệu dollar lấy từ quỹ 1Malaysia Development Berhad.

Tổng thống những nước này có tình trạng tham nhũng giống nhau, trước tiên họ xây dựng nền móng sức mạnh cho riêng mình, sau đó cung cấp nguồn lợi từ các chính sách của chính phủ cho gia đình hay thân hữu. Trong tất cả các chế độ vừa nêu con số người thừa hành, tiếp tay với kẻ chủ mưu có nguồn thu từ tham nhũng rất ít, điều này nói lên sức mạnh tuyệt đối của riêng mình họ trong bộ mày chính quyền do họ tạo ra.

Nhưng ở Việt Nam thì khác. Cấu trúc chính trị của Việt Nam không cho phép gia đình trị, cũng không cho phép một người tham nhũng còn những kẻ khác đứng nhìn. Tham nhũng tại Việt Nam có tính hệ thống và vì vậy muốn chống lại nó không phải là chuyện dễ dàng. Tham nhũng tại Việt Nam là một vòng tròn khép kín, từ lúc bắt đầu vẽ ra một dự án cho tới lúc hoàn thành có hàng trăm con người chúi đầu vào. Xem ra có vẻ suy tư tới sự thành bại của dự án ấy nhưng thật ra họ chúi vào để tìm cách chia xẻ ngân sách nhà nước với những kỹ thuật lòn lách học được từ những ngày đầu tiên khi đất nước bắt tay vào hai chữ “đổi mới”.

Tham nhũng lừng lững như sóng thần ngày càng cao, càng vào gần bờ thì sức công phá càng mạnh. Gần mười năm trước người dân khi nghe nhắc tới vụ tham nhũng PMU 18 đã cho là dữ dội vì cấp độ tham nhũng của nó vào lúc ấy, nhưng thật ra PMU 18 chỉ là hạt vừng so với các vụ án sau này của các quan chức trong chính phủ. Nếu PMU 18 có sai phạm và thất thoát chưa tới 2 triệu dollar thì vụ án Dương Chí Dũng của Vinaline có mức độ thiệt hại ngân sách nhà nước gấp 10 lần vụ PMU 18. Thời gian càng trôi thì những đại án tham nhũng càng lớn, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ với dự án Đại lộ Đông Tây chỉ là muỗi so với vụ tham nhũng Thủ Thiêm mà người ta ước đoán số tiền tham nhũng có thể lên tới con số bạc tỷ dollar. Vũ Nhôm với những tờ giấy có thể gây sợ hãi cho nhiều bí thư của Đà Nẵng và tp HCM vẫn đang nằm trong vòng điều tra vì số người “tham gia” quá đông và quá “nguy hiểm”, đó là chưa nói tới MobiFone và AVG nếu không phát hiện kịp thời vụ án có thể gây thất thoát cho nhà nước ít nhất là 400 tỷ vì tiền ngân sách phải bỏ ra mua một công ty đang trên đà phá sản.

Những tên tuổi như Đinh La Thăng hay Trịnh Xuân Thanh sẽ nhanh chóng đi vào quá khứ vì báo chí còn dành đất để khai thác những vụ tham nhũng khác. Vụ sau lớn hơn vụ trước về mức độ lẫn tài sản quốc gia. Tham nhũng gần như chiếc xe không phanh, cứ lầm lũi chạy trên con đường không ai kiểm soát.

Lớn tham nhũng kiểu lớn, nhỏ tham nhũng kiểu nhỏ. Cả một guồng máy như đang cố gằng hết sức mình gậm nhấm chiếc bánh ngân sách lẫn tài sản của dân chúng.

Những vụ án đất đai khắp nước xuất phát từ tham nhũng và cũng từ đó các nhóm lợi ích đua nhau ra đời. Tài sản người dân teo tóp và họ phấn đầu ngày này sang ngày khác để giữ lại phần nào hay phần nấy miễn sao đừng rơi vào hố sâu nghèo đói bần hàn.

Viên chức chính phủ với đồng lương không thể sống vẫn ngày ngày ghé quán bia ăn nhậu phủ phê với bạn cánh hẩu. Vợ con họ vẫn ung dung đếm những đồng tiền “không dấu vân tay” tuy không nhiều nhưng vẫn đủ cho một cuộc sống trung lưu trong thời buổi xã hội lẫn lộn vàng thau. Đồng tiền của những viên chức ấy đến từ các con dấu đóng vào đơn của doanh nghiệp hay vài trăm ngàn lót tay của người dân cùng khổ. Họ sáng tạo ra những quy định, những rào cản hành chánh cho các cuộc truy hoan mà một chai rượu có thể lên đến chục ngàn dollar, số tiền này được chung chi cho họ cũng trong vòng tròn móc túi lẫn nhau mà sống.

Nhà nước không cần phát lương, họ tự lập nguồn chi thu cho cơ quan và cho bản thân. Họ chính là nhà nước.

Những cảnh sát giao thông ra đứng ngoài đường chỉ làm một công việc duy nhất là thu tiền mãi lộ. Cả nước biết hành động của họ là sai trái, chính phủ biết hành vi này làm cho xã hội bất bình, căm phẫn. Nhưng cả nước cũng biết rằng thu tiền trên đường là sự sống còn của bộ phận gìn giữ an toàn cho người dân, thiếu nó sẽ không ai vào công an vì lương quá ít.

Khi chính phủ một nước không chấp nhận tăng lương cho nhân viên mà ngầm khuyến khích họ tự bươn chải kiếm ăn chính là hành vi giả lơ cho họ tham nhũng. Mỗi người một chiếc chìa khóa trong cơ quan, kẻ mở ngăn giấy phép kinh doanh, người phụ trách sổ đỏ, kẻ chăm sóc luật môi trường doanh nghiệp, hay chí ít cũng là an toàn thực phẩm. Không tham nhũng được thì ăn cắp giờ làm việc của riêng mình. Mọi người trong tập thể ấy vừa làm việc vừa tự tính lương “căn bản” cho mình trên những hồ sơ gửi vào cơ quan xin đóng dấu. Vòng tròn tham nhũng ấy sống vững vàng từ bao năm nay và xem ra nó còn vững vàng nhiều hơn nữa trong những ngày tháng tới.

Tham nhũng là vòng tròn bất tử, nó ký sinh trên thân xác của chủ nghĩa Cộng sản, nơi mà thể chế chính trị không chấp nhận sửa sai một cách quyết liệt ngoại trừ bị phát hiện.

Liều thuốc khai tử duy nhất cho nó là thể chế dân chủ thật sự, nhưng bộ máy hiện nay tuy đã rệu rã nhưng nó phản ứng cật lực trước mọi ý tưởng trùng tu vì nó đã quen với những con ốc vít được chế tạo từ Cách mạng Tháng tám.


* Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Gạc Ma-vòng tròn bất tử” của nhà xuất bản Trí Việt do Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên.