Một tai nạn chấn động thế giới vừa xảy ra tuần qua, cướp đi sinh mạng của gần 300 nạn nhân, trong đó có ba người gốc Việt.
Chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) sang Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 17/7 đã bị bắn rơi tại miền Đông Ukraine, nơi đang có giao tranh giữa những người thân Nga muốn ly khai khỏi Ukraine với lực lượng chính phủ nước này. Toàn bộ 298 người, kể cả hành khách và phi hành đoàn, tử nạn. Các phần tử đòi ly khai Ukraine bị tình nghi dùng phi đạn của Nga bắn rớt chiếc máy bay.
Chị Nguyễn Ngọc Minh (37 tuổi) cùng con gái Đặng Minh Châu (17 tuổi) và con trai Đặng Quốc Duy (13 tuổi) mang quốc tịch Hà Lan có mặt trên chuyến bay lâm nạn với dự định quá cảnh ở Malaysia trước khi đáp về Việt Nam thăm gia đình.
Chuyến đi vĩnh viễn của ba mẹ con chị Minh và những người đồng hành để lại những đau xót và khơi dậy những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế yêu cầu Nga và lực lượng thân Nga ở Đông Ukraine ngưng cản trở cuộc điều tra đưa thủ phạm ra ánh sáng công lý.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay ghi nhận những tâm tình chia sẻ từ người thân của các nạn nhân xấu số trên chuyến bay MH17 qua cuộc trao đổi với anh Nguyễn Hữu Minh, người anh họ thân thiết với chị Nguyễn Ngọc Minh từ nhỏ.
Anh Minh sống ở Hà Nội nhưng giữ liên lạc thường xuyên với chị Minh ở Hà Lan qua FaceTime. Lần cuối cùng anh trò chuyện với chị là một tuần trước khi chị dắt 2 con bước lên chuyến bay định mệnh.
Your browser doesn’t support HTML5
Anh Nguyễn Hữu Minh: Tôi với Minh chênh nhau hai tuổi, thành ra khá thân. Hồi tôi học đại học năm I, Minh học lớp 10 trường Lý Thường Kiệt, cũng gọi là hoa khôi, học cũng khá giỏi.
Trà Mi: Chị Minh rời Việt Nam bao lâu rồi, thưa anh?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Khá lâu rồi, khoảng đầu năm 2003 khi đứa con thứ hai được 2, 3 tuổi thì Minh sang đấy. Chồng Minh là người Việt quốc tịch Hà Lan về Việt Nam làm ăn, gặp quen Minh và lấy nhau ở đây. Sau đó, Minh đi theo dạng vợ chồng. Khi lấy nhau, họ có thành lập công ty riêng làm về mực in nhập từ Mỹ về. Làm được vài năm, họ sang Hà Lan. Sang đó, chồng Minh kiếm được việc làm cho một cơ quan nhà nước của Hà Lan. Minh thất nghiệp, nhận trợ cấp xã hội, không làm gì cả.
Trà Mi: Chị Minh có thường đưa các con về Việt Nam thăm gia đình?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Lần cuối cùng Minh về là năm 2012.
Trà Mi: Được biết gia cảnh của chị có chuyện buồn, chồng chị vừa mất gần đây?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Chính xác. Tháng 8 năm ngoái chồng Minh mất vì tai nạn tàu. Minh về đây năm nay định làm giỗ ở đây, nhưng không ngờ mọi việc lại như thế. Ở Hà Lan, gia đình Minh không có ai cả. Nhà chồng còn mẹ chồng và hai người em. Năm ngoái khi nghe tin chồng Minh mất, cả gia đình vô cùng buồn. Một phụ nữ ở Việt Nam còn bà con hàng xóm, anh em. Còn ở Hà Lan, Minh phụ thuộc vào chồng. Chồng Minh là trụ cột chính, Minh chỉ ở nhà. Đất khách quê người chẳng có ai thân cả. Cho nên, khi chồng Minh bị tai nạn, mọi người cực kỳ đau xót, rất buồn cho Minh, sợ Minh không vượt qua. Một thời gian ngắn sau đó, cô chú tôi đã sang Hà Lan sống cùng Minh để Minh có chỗ dựa về tinh thần. Hết visa, cô chú tôi lại về. Nhưng Minh vẫn chông chênh, rất buồn, thế là cô chú tôi lại quay lại Hà Lan lần nữa để ở cùng cho Minh nguôi ngoai.
Trà Mi: Chị Minh có ý định về Việt Nam sống với người thân không?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Cô ấy thường nói là muốn về Việt Nam, nhưng phải chờ ít nhất cho đến khi con cái trưởng thành, ra trường.
Trà Mi: Gia đình nhận được hung tin trong hoàn cảnh thế nào?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Hôm 17/7 chuyện xảy ra. Sáng 18, một người em họ gọi điện cho tôi vừa nói vừa khóc, kể rằng Minh bị tai nạn máy bay nổ, chết rồi. Tôi bàng hoàng cả người. Tôi không tin, mở mạng ra đọc, Trưa đến nhà cô chú, cô chú tôi cho biết đêm 17, cậu em chồng của Minh tình cờ xem tin tức TV thấy chuyện đó và gọi điện ra hãng hàng không xác minh. Sau khi xác minh đúng người nhà mình trên chuyến bay đó, anh ta gọi về thông báo. Cô chú tôi vô cùng sửng sốt. Một tiếng sau, có người ở sứ quán Việt Nam bên Hà Lan điện thoại thông báo tình hình. Minh đặt chuyến bay này từ tháng 2, trước khi xảy ra vụ rớt máy bay MH370. Minh đặt vé xong xảy ra vụ đó, mọi người cũng áy náy và bản thân Minh cũng rất e ngại, nhưng nghĩ cho cùng xác suất rủi ro quá nhỏ, vả lại cũng đặt vé rồi. Mọi người cũng có cân nhắc, cũng thấy run run, cũng nói đùa với nhau ‘Không biết có sao không nhỉ?’ nhưng không ngờ đó lại là sự thật. Minh về lần này gia đình đã đặt vé và khách sạn để cả nhà đi Đà Nẵng. Minh cho biết về độ 20/8 sẽ trở lại Hà Lan.
Trà Mi: Liên lạc cuối cùng của chị Minh với gia đình là lúc nào, thưa anh?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Trước hôm bay, Minh bảo xong xuôi hết đồ đạc rồi, chỉ đợi ra sân bay thôi. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng 12 giờ trưa ngày 18/7 là đáp xuống sân bay Nội Bài.
Trà Mi: Trước khi khởi hành chuyến bay đó, chị Minh có linh tính gì không?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Cũng rất tình cờ, tôi và Minh cùng muốn mua đồng hồ. Tôi tiếc tiền, Minh bảo tôi cứ mua đi sống chẳng được là bao cả. Bọn tôi cười nhau và bảo thôi thích thì mua chứ cứ bon chen nay mai chết chỉ là hai thước vuông. Vừa nói đùa đời sống chẳng được là bao, vừa cũng có ý thật vì năm ngoái chồng Minh ra đi cũng quá đột ngột như thế. Tôi không hiểu tại sao thời gian trước chuyến đi này, Minh thường xuyên gọi Facetime cho tôi suốt ngày. Trước đây thi thoảng vài ba lần mỗi tuần, nhưng lần này cứ kiểu như là có nhu cầu nói chuyện, nói lấy được ấy.
Trà Mi: Kể từ sau tai nạn đến nay, mọi chuyện như thế nào, thưa anh?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Hôm trước tưởng phải sang Ukraine nhận xác, nhưng sau họ báo đã chuyển hết xác về Hà Lan để người nhà sang đó nhận. Họ không báo chính xác là đã tìm thấy thi thể của ba mẹ con, chỉ báo là tìm được gần hết thi thể rồi. Người nhà đã làm visa sang để nhận dạng.
Trà Mi: Hãng hàng không Malaysia và chính phủ Hà Lan có thông báo cho gia đình về các kế hoạch sắp tới đối với thân nhân người bị nạn không?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Họ có báo cho cô chú tôi, tôi không nắm được. Cô chú tôi có mong nguyện sớm đưa cả ba mẹ con về an táng ở Việt Nam.
Trà Mi: Sau thảm họa, rất nhiều nước kể cả Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch. Gia đình nạn nhân có đề nghị gì không?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Chú tôi đã viết đơn đề nghị phải làm cho rõ và có các biện pháp điều tra thỏa đáng.
Trà Mi: Gia đình đã nhận được sự hỗ trợ thế nào từ phía Hà Lan, hãng máy bay Malaysia, và đại sứ quán Việt Nam?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Cục Lãnh sự đại sứ quán Việt Nam có đến thăm hỏi, chia buồn. Họ bảo gia đình cần có những nhu cầu gì cứ đề nghị, họ sẵn sàng giúp đỡ. Bên Hà Lan họ cũng đã gặp thân nhân các nạn nhân, gia đình bên chồng của Minh cũng đã có buổi gặp chính quyền Hà Lan. Thật ra, chuyện đền bù vật chất là chuyện sau cùng và đó là điều đương nhiên. Quan trọng là cô chú tôi mong muốn chuyển thi hài ba mẹ con Minh về Việt Nam càng sớm càng tốt để được an táng.
Trà Mi: Hiện giờ có một số trở ngại cho một cuộc điều tra trắng đen rõ ràng để quy trách nhiệm. Gia đình những người bị nạn có những suy nghĩ gì?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Đương nhiên, gia đình nạn nhân như chúng tôi cực lực phản đối.
Trà Mi: Anh nghĩ gì về vụ tai nạn này, một tai nạn liên lụy vì giao tranh ở Ukraine?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Tôi cảm thấy rất bất bình, rất phẫn nộ với phe ly khai đã bắn tên lửa vào máy bay đó làm gần 300 con người vô tội bị thiệt mạng. Đây là một hành động đáng lên án.
Trà Mi: Hiện giờ vẫn chưa có kết cục rõ ràng, nhưng nếu giả thiết đó là đúng thì gia đình những người bị hại sẽ có tiếng nói thế nào?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Với tư cách là người thân của người bị hại, tôi đề nghị những kẻ gây ra thảm họa này cần phải bị trừng trị thích đáng và chấm dứt những chuyện giao tranh gây ra cái chết của những người vô tội.
Trà Mi: Anh có nghĩ cảm xúc của anh sẽ khác đi nếu đây là một tai nạn rủi ro do thiên tai chứ không phải do con người?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Chính xác, cái đau đớn đây là do con người gây ra, mà lại nhắm bắn thì đúng là vô cùng đáng tiếc.
Trà Mi: Với người dân Việt Nam, ít nhất gần 40 năm nay những chuyện chết chóc vì bom đạn, vì máy bay bị bắn rơi đã lùi vào quá khứ. Nhưng chuyện này lại xảy ra ngay trong thời điểm hiện nay, anh có suy nghĩ gì muốn chia sẻ với thế giới?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Tôi cảm thấy cực kỳ công phẫn. Trong chiến tranh, nỗi đau thế này cũng đã là thương tâm, nhưng dù gì cũng sẽ đỡ hơn, sẽ là bình thường. Còn đây là thời bình ở thế kỷ 21 này, chuyện như thế là vô cùng thương tâm, cực kỳ bất bình, sốc, và sửng sốt. Nỗi đau nhân lên gấp bội.
Trà Mi: Chuyện này có ý nghĩa thế nào với nhân loại, theo anh?
Anh Nguyễn Hữu Minh: Đây chính là hồi chuông cảnh báo cho nhân loại. Những sự giao tranh như thế trên thế giới luôn mang đến cho các nạn nhân vô tội những cái chết rất thương tâm. Tôi cực lực phản đối. Tôi mong không còn giao tranh gì trên thế giới nữa, ở bất cứ đâu.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.