Thanh niên từ 18 đến 20 tuổi uống rượu bia, nhiều chục năm sau, có nhiều khả năng phát triển bệnh gan nặng hơn so với những người đồng trang lứa không rượu bia, theo một cuộc nghiên cứu của Thụy Điển.
Các nhà nghiên cứu xem xét dữ liệu về tiêu thụ rượu bia của 43.296 thanh niên nhập ngũ trong năm 1969 và 1970, lúc họ đang trong tuổi mười tám đôi mươi. Sau gần 38 năm theo dõi, tổng cộng có 383 người trong số này được chẩn đoán mắc bệnh gan trầm trọng, trong đó có 208 người chết.
Mỗi gram rượu bia tiêu thụ hàng ngày trong thời trai trẻ có dính líu tới tỷ lệ tăng nguy cơ bệnh gan lên 2%. Tỷ lệ này là sau khi các nhà nghiên cứu đã khấu trừ các yếu tố nguy cơ độc lập khác cũng phá hoại gan như béo phì, hút thuốc, và bệnh tim mạch.
Nguy cơ càng tăng cao đối với những người nghiện rượu.
Những thanh niên trung bình tiêu thụ từ 31 đến 40 gram chất uống có cồn mỗi ngày có nguy cơ bệnh gan cao gấp đôi so với những người không bia rượu. Những người uống mỗi ngày từ 51-60 gram chất có cồn thì nguy cơ bị hư gan cao hơn gấp 4 lần.
Lượng chất cồn đủ để gây hư gan không rõ là bao nhiêu và có thể bị chi phối bởi các yếu tố khác như thực phẩm và mức độ bia rượu thường xuyên thế nào. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu trước, người ta chỉ ra rằng nguy cơ bệnh gan tăng lên khi uống hơn 30g chất cồn mỗi ngày, đối với đàn ông, và trên 20g đối với phụ nữ.
Trong gần 40 năm theo dõi, trong nhóm được nghiên cứu có 2661 người được chẩn đoán lạm dụng bia rượu, và cứ 10 người trong số họ thì có 1 người phát triển bệnh gan trầm trọng.
Giới nghiên cứu khuyên rằng các bậc phụ huynh nên tìm cách ngăn cản con cái sớm làm quen với bia rượu và khuyên can chúng sử dụng có chừng mực.