Thanh Tâm Tuyền: Mọi sự thực đều lang thang

  • Nguyễn Hoàng

Từ trái sang: Bùi Giáng, Thanh TâmTuyền, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng trước toà soạn báo Văn, 38 Phạm Ngũ lão, Sài Gòn năm 1973, trước khi làm Giai Phẩm Văn đặc biệt Thanh Tâm Tuyền [cùng năm]

Ngày 22 tháng Ba, 2006 là ngày Thanh Tâm Tuyền từ giã chúng ta. Vậy là đã bốn năm, ngọn cờ đầu của thơ tự do Việt Nam, người làm mới thi ca Việt Nam đã ra đi.

Còn nhớ trong một bài thơ mang tên Nhịp Ba thay Lời Bạt cho tập truyện cổ tích Sợ Lửa của Doãn Quốc Sỹ xuất bản năm 1956, Thanh Tâm Tuyền viết:

Thanh Tâm Tuyền dưới nét vẽ Duy Thanh

Ngực anh thủng lỗ đạn tròn
Lưỡi lê thấu phổi
Tim còn nhảy đập
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu, tự do mãi mãi
Anh về ngồi dưới vườn nhà
Cây liền kết trái
Hoa rụng tơi tơi ủ xác
Anh chạy nhịp hai qua cách trở

Mắt bừng
Thống nhất, tự do
Ngoài xa thành phố
Bánh xe lăn nhịp ba
Áo màu xanh hớn hở
Nhát búa gõ
Long máy quay
Cửa nhà thi nhau lớn
Nhịp ba, nhịp ba, nhịp ba
Tình yêu, tự do, mãi mãi

….

Bài thơ được chính Doãn Quốc Sỹ coi như là “đã nêu lên lòng ước muốn thường xuyên nóng bỏng trong tâm tư thầm kín của tôi [DQS]: đó là ước muốn sao cho đất nước sớm được thống nhất tự do.”

Thế nhưng sau tháng Tư, 1975, người ta nói là “đất nước thống nhất tự do”, cả Doãn Quốc Sỹ và Thanh Tâm Tuyền – cũng như bao nhiêu người và văn nghệ sĩ khác của Miền Nam – đã phải vào trại tù…

Thử đọc bài Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa, Thanh Tâm Tuyền viết trong lao tù:

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu.

Và bài Thơ Tình Trong Tù viết năm 80:

Vẫn em của thuở trăng nào
Đêm hôm nở đoá chiêm bao xanh ngần
Vẫn em tình của trăm năm
Đoan trang khoé hạnh thâm trầm dáng thơ
Vẫn em mối kết thiên thu
Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này…

Năm 1982 tại Sài Gòn, sau ngày ra khỏi ngục tù, Thanh Tâm Tuyền viết Prelude Cho Những Chuyến Đi, Về:

Bià Giai Phẩm Văn về Thanh Tâm Tuyền, Sài gòn 1973

Hắn rũ bỏ ký ức, và đi
Trong bóng tối ruỗng im quái gở
Lúc dứt lặng trận chiến man rợ
Hắn rũ bỏ ký ức, và đi
Trong rừng sâu thẳm cây trút lá
Ngọn gió mông muội thổi tràn trề
Bấy giờ hồi trằn trọc lịch sử
Lịm từng cơn ảm đạm ê chề
Sớm hay khuya không biết đâu nữa
Thời khắc tự huỷ hoại vắng tanh
Giòng nước suối chảy không tiếng vang
Giữa bờ bến đắm chìm lấp lú
Những cơn trốt quặn thắt huyền bí
Xoay quanh sự thế vui trầm ngâm
Hắn đưa chân theo bước khôn cầm
Trên lối u mê mờ hoặc
Mọi nỗi niềm đều giấu mặt
Mọi sự thực đều lang thang
Hắn đi như thế, không thể khác.

Thơ của người thi sĩ Tôi Không Còn Cô Độc đã bay theo thời thế, bay theo thân phận nổi trôi, bay theo cơn lốc lịch sử của dân tộc.

Mọi sự thực đều lang thang
Hắn đi như thế, không thể khác.

Tôi muốn lấy câu viết sau đây của Đặng Tiến như một ghi nhận về người thi sĩ của chúng ta:

“Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học miền nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp Lửa.”*.

* Tạp chí Văn bộ mới số đặc biệt Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền 1936-2006: số đôi 113&114 tháng Năm & Sáu, 2006. California, tr. 7. Chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng.

Bià Tạp chí Văn tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, California, 2006