Thỏa thuận mới nhất giữa Philippines và Hoa kỳ mang tính định hướng các nguyên tắc phòng thủ trong bối cảnh Tổng thống Marcos Jr. vừa tuyên bố, đất nước ông giờ đây đang lâm vào tình trạng “phức tạp nhất trên bình diện địa-chính trị, và vì thế điều hoàn toàn tự nhiên là Philippines quay sang một nước một nước duy nhất đã được gắn kết với mình bằng một Hiệp ước quốc phòng”. Manila và Washington đã ký một thỏa thuận mới có tên gọi “Hướng dẫn phòng thủ song phương”. Văn kiện đã được công bố ngày 3/5 vừa qua nhằm xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) ký từ năm 1951, nhưng trong bối cảnh Philippines muốn làm sáng rõ hơn khi liên minh đặc biệt giữa hai nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tại sao phải có hướng dẫn mới?
Chuyến thăm chính thức Washington từ 1/5 đến 4/5 của ông Marcos Jr. là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Philippines tới Mỹ trong hơn 10 năm qua. Đây cũng là cuộc gặp mới nhất trong hàng loạt cuộc gặp cấp cao gần đây mà Philippines đã tiến hành với các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, những cường quốc đang cạnh tranh nhau quyết liệt để giành lợi thế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Theo hãng tin Reuteurs, mặc dù Hoa Kỳ đã trấn an Philippines rằng, quan hệ đối tác quốc phòng của họ là "vững như thép", nhưng Manila lại lập luận rằng, một Hiệp ước có tuổi đời 7 thập kỷ thì cần phải được cập nhật để phản ánh môi trường an ninh toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi.
Văn bản “hướng dẫn phòng thủ song phương” được bộ Quốc Phòng Mỹ vừa công bố hôm 3/5 nêu rõ rằng, những cam kết phòng thủ chung sẽ được vận dụng trong trường hợp một trong hai đồng minh bị tấn công quân sự “bất kỳ ở đâu trên Biển Đông”. Một chi tiết khác được đưa vào văn kiện là giờ đây các tàu tuần duyên cũng thuộc đối tượng được bảo vệ bởi Hiệp ước MDT. Điểm đáng chú ý khác là văn kiện hướng dẫn ghi nhận hai bên cần phải phối hợp với nhau để đối phó với “cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám”. Thuật ngữ quân sự “chiến thuật vùng xám” thường được Mỹ sử dụng để chỉ việc Trung Quốc dùng các phương tiện phi quân sự như tàu tuần duyên hay các đội tàu cá nhằm khẳng định những đòi hỏi lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Chiến thuật này bao gồm cả những hành động phong tỏa, hăm dọa hay những biện pháp gây rối các hoạt động đánh bắt cá hay thăm dò khai thác tài nguyên của đối phương.
Sở dĩ Philippines yêu cầu Mỹ phải cập nhật vào thời điểm hiện nay vì căng thẳng với Trung Quốc ngày càng gia tăng gần đây. Tháng trước, Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thực hiện “các thao tác nguy hiểm” và “chiến thuật hung hăng” cản trở cuộc tuần tra của các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines gần Bãi Cỏ Mây – là rạn san hô do một lực lượng hải quân nhỏ của Philippines chiếm giữ và nằm cách bờ biển Philippines 105 hải lý (195 km). Vào tháng 2 trước đó, Philippines cho biết một tàu Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào một trong các tàu tiếp tế của hải quân nước này trong cùng khu vực. Philippines và một số nước láng giềng trong những năm gần đây đã tố cáo về hành vi của lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân Trung Quốc, sau khi các tàu nhỏ hơn bị đâm, chặn hoặc bắn bằng vòi rồng. Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô và vùng biển cách bờ biển của họ những 1.500 km, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia láng giềng, thường cáo buộc các tàu khác khiêu khích hoặc xâm phạm.
Hành động trong khuôn khổ pháp lý
Biết được các tình huống mà Hoa Kỳ buộc phải can thiệp theo MDT có thể là một biện pháp ngăn chặn khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về một số chiến lược Biển Đông để tránh đối đầu với các lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm cả cách hành xử của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Nhưng Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu của mình để kiểm tra các giới hạn trong cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ và cố gắng làm suy yếu liên minh, đặt Washington vào một vị trí khó xử khi họ có thể miễn cưỡng can thiệp do lo ngại về sự leo thang hoặc tính toán sai lầm. Một số nhà phân tích đã lập luận rằng Philippines và Hoa Kỳ được phục vụ tốt hơn bởi một Hiệp ước phòng thủ chung ít mơ hồ hơn. Các hướng dẫn này là lần đầu tiên kể từ khi “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) được ký kết từ năm 1951 và tuân theo hàng loạt các phản đối ngoại giao của Philippines trong năm qua về điều mà nước này gọi là các hành động và mối đe dọa “hung hăng” của Trung Quốc đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này.
“Hướng dẫn phòng thủ” dài 6 trang đã được nhất trí tại Washington hôm 3/5 sau các nỗ lực mới dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhằm cập nhật “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) với Hoa Kỳ, vào thời điểm căng thẳng gia tăng và đối đầu trên biển với Trung Quốc. Các hướng dẫn cho biết các cam kết tại Hiệp ước song phương sẽ được viện dẫn nếu một trong hai bên bị tấn công cụ thể ở Biển Đông và nếu các tàu tuần duyên là mục tiêu. Nó cũng được cập nhật để bao gồm các tham chiếu đến các hình thức chiến tranh hiện đại. Cùng với MDT, với “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng” (VFA) ký năm 1998 và “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014, tất cả tạo thành một khuôn khổ pháp lý vững chắc để Philippines từ nay sẵn sàng đối phó với “các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số lĩnh vực – bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng – và ở dạng chiến tranh bất đối xứng, kết hợp và bất thường và chiến thuật vùng xám, các hướng dẫn vạch ra một hướng đi để xây dựng khả năng tương tác trong cả các lĩnh vực thông thường và phi thông thường”, theo tuyên bố từ Lầu Năm Góc.
Trông người mà ngẫm đến ta…
Những thành tựu Tổng thống Marcos Jr. gặt hái được những qua trên đất Mỹ vừa tạo bước ngoặt thực chất, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Giới quan sát ở Việt Nam – nói một cách khách quan – nhìn mà thèm. Tất nhiên, không ai lại đi so sánh Philippinnes với Việt Nam. “Trông người đừng ngẫm đến ta/ Một dầy một mỏng biết là có nên?” (Lẩy Kiều). Giới cầm quyền ở cả hai xứ hẳn nhiên lúc nào cũng tuyên bố, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng kết quả thì như đang thấy. Nhờ xã hội có đa nguyên nên Marcos Jr. lên cầm quyền đã gần như đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, ưu tiên đối với lợi ích quốc gia chứ không đặt bảo vệ Đảng lên đầu, nên ông đã có ngay giải pháp cho hồ sơ hóc búa liên quan đến vấn đề Biển Đông. Việt Nam trong khi đó, vẫn như “gà mắc tóc” trong vấn đề nâng cấp “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Thông thường, không nhà cầm quyền nào ngoài miệng, không mạnh mồm nói là chống nô dịch của ngoại bang. Nhưng chống xâm lược để rồi lại đặt ách nô dịch ấy lên đầu lên cổ người dân, không cho “dân mở miệng”, khác xa với chống ngoại bang vì lợi ích quốc gia – dân tộc!
Điều ngạc nhiên là chính Tạp chí “Quốc phòng Toàn dân” ngay trước khi Marcos Jr. trúng cử đã có tiên lượng khá chính xác về các bước đi ngoạn mục trên chính trường Philippines. Tờ báo đánh giá rằng, “trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) thì việc quan hệ hai nước trở lại nồng ấm như trước có ý nghĩa rất lớn…”
Lượng định này đáng quan tâm, vì giữa Philippines và Việt Nam, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với mỗi nước gần như giống hệt nhau. Điều khác nhau ở đây là gì? Việt Nam “ngậm bồ hòn làm ngọt” còn Philippines thì quyết “sánh vai” cùng thời đại. Những ngày Tổng thống Marcos “tung hoành ngang dọc” tại Washington, ngồi ở Hà Nội nghe Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai “tỉ tê” với Tập Cận Bình về “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà nẫu cả diều!
Trong khi đó, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Tổng thống Marcos Jr. cho rằng, hiện là thời điểm để nâng cấp mối quan hệ song phương Philippines – Hoa Kỳ nhằm góp phần ứng phó nhanh hơn với những thách thức hiện tại ngày đang nổi lên. Ông Marcos cũng đề cập thỏa thuận mà ông ký hồi đầu năm nay cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, ngoài 5 căn cứ đã được chỉ định trước đó theo “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA). Nhà lãnh đạo Philippines nêu rõ việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn ở Philippines không nhằm mục đích sử dụng cho hành động tấn công bất kỳ quốc gia nào. Nhưng trong những ngày trên đất Mỹ, ông Marcos cũng chẳng dấu diếm, các căn cứ này sẽ hữu hiệu trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.