Cuộc đi thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama đã đến gần. Đang có nhiều ước vọng và phán đoán khác nhau ở cả hai bên về kết quả của chuyến công du quan trọng này.
Về phía Hoa Kỳ đã có một số chỉ dấu tích cực đáng khích lệ. Đó là ý kiến của Ngũ Giác Đài cho thấy việc hạn chế bán vũ khí sát thương cho VN có thể được sớm gỡ bỏ. Mặt khác việc Hoa Kỳ ủng hộ VN gia nhập khối Kinh tế Thái Bình Dương TPP có vẻ thuận lợi. Việc buôn bán hai chiều có thể tăng lên đáng kể. Các vấn đề đang thực hiện như tìm quân nhân mất tích, tháo gỡ bom mìn, giải quyết hậu quả chất độc màu da cam, mở rộng học bổng Fulbright cũng đang được thực hiện. Hoa Kỳ sẽ giúp cung cấp thêm tàu thuyền vũ trang bảo vệ bờ biển, huấn luyện sỹ quan và quân nhân cũng như tổ chức diễn tập chung về mặt này sẽ được tăng thêm. Tất cả sẽ đưa mối quan hệ toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới, có lợi cho mỗi nước cũng như cho mối quan hệ chung tại khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ này hiện vẫn còn trở ngại không nhỏ và đáng tiếc, hai bên nên có dịp trao đổi thẳng thắn cởi mở với nhau một lần cho rành mạch ngã ngũ.
Đâu là khoảng cách về nhận thức hiện còn tồn tại giữa Hà Nội và Washington?
Cần nói thẳng đó là thể chế chính trị, dân chủ và nhân quyền. Hoa Kỳ và Việt Nam có hai chế độ khác nhau, có thể nói là trái ngược nhau: một bên là dân chủ, một bên là độc tài.
Theo định nghĩa được toàn thế giới công nhận, một nước thật sự dân chủ phải thực hiện chế độ bầu cử tự do, mỗi công dân có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử bằng cách bỏ phiếu kín. Trong một chế độ dân chủ thật sự, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân lập, để kiểm soát lẫn nhau, bảo đảm sự cân bằng, đề phòng sự lạm dụng quyền lực, sai lầm và oan trái cho công dân, cho xã hội. Ngoài ra, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được tôn trọng để đảm bảo cho các quyền hiến định trên đây được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Trong chế độ độc tài, công dân không có quyền tự do ứng cử và bầu cử, ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp do một chính đảng nắm trọn, tự do ngôn luận bị cấm đoán, do đó chính quyền trở nên quan liêu, xa rời dân, nhũng nhiễu, bất công và tham nhũng, khiến nhân dân mất niềm tin ở chế độ.
Xin nhớ cho rằng Tổng thống Obama không bao giờ chấp nhận kiểu tự do dân chủ đặc thù của VN. Có tự do dân chủ hay không có tự do dân chủ, chỉ thế thôi. Hãy từ bỏ một lần cuối luận có tính cách ngụy biện rằng ‘’một đảng duy nhất vẫn có tự do’’. Tổng thống Obama cũng không hề đánh giá cao thể chế chính trị hiện nay ở VN. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từng tuyên bố: “Những thể chế khác được thử áp dụng: phát xít, cộng sản, độc tài cá nhân, độc tài phe nhóm ... đã thất bại vì không xây dựng được niềm tin ở nhân dân‘’.
Trước khi đến VN, Tổng thống Obama đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Tom Malinowski đi trước mang theo yêu cầu trả tự do cho các anh chị em bị giam cầm do dám đấu tranh cho tự do, nhân quyền và chống bành trướng nước lớn.
Giờ đây mọi sự tùy thuộc ở thái độ của Bộ Chính trị Đảng CSVN có biết đặt lợi ích dân tộc, nhân dân ở trên lợi ích phe đảng hay không. Nhân dân đang chăm chú theo dõi diễn biến của cuộc thăm viếng lịch sử này và nghiêm khắc cảnh cáo các nhà lãnh đạo đảng CS chớ bỏ lỡ cơ hội đưa đất nước gắn bó thuận lợi với thế giới dân chủ hùng mạnh và văn minh, vì cuộc sống thanh bình và phát triển của 90 triệu nhân dân VN và các thế hệ mai sau.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.