Thế nào là yêu nước? (4)

Thế nào là yêu nước? (4)

Yêu nước là yêu những điều tưởng tượng. Nhưng đó là những sự tưởng tượng có định hướng, xuất phát từ những ý đồ chính trị và trình độ nhận thức nhất định. Nói cách khác, yêu nước được kiến tạo trên nền tảng những điều kiện văn hoá và lịch sử nhất định (historically and culturally constructed). (1)

Có thể thấy rõ điều đó khi nhìn lại sự phát triển của tư tưởng yêu nước Việt Nam qua văn học viết thời Trung Đại. Liên quan đến chuyện yêu nước, cho đến nay, hầu như mọi nhà nghiên cứu đều đồng ý, trong gần một ngàn năm văn học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, ba tác phẩm tiêu biểu nhất là: “Thơ thần” (1076) của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” (1285) của Trần Hưng Đạo và “Bình Ngô đại cáo” (1428) của Nguyễn Trãi. Trong ba tác phẩm ấy, tác phẩm đầu và tác phẩm cuối được xem là hai bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam thời tiền- hiện đại.

Gọi là “Thơ thần” vì, theo tương truyền, Lý Thường Kiệt cho người nửa đêm vào đền Trương Hát và Trương Hống ở cửa sông Như Nguyệt đọc vang bài thơ lên để kích động tinh thần binh sĩ trong trận chiến sinh tử chống lại quân Tống vào năm 1076. Lúc ấy, thế giặc đang rất mạnh. Binh sĩ dưới quyền Lý Thường Kiệt không ít người nao núng. Cũng theo tương truyền, nghe tiếng đọc thơ vang vang giữa khuya khoắt từ một đền thờ nổi tiếng linh thiêng, “quân ta phấn khởi, quân Tống vỡ mật không đánh đã tan” (2)

Bài thơ chỉ có bốn câu như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Sách trời phân giới định rạch ròi.
Cớ sao giặc dữ dám xâm phạm
Tan tành lập tức bay chờ coi!)

Tuy nhiên, liên quan đến bài thơ này, có mấy điều cần bàn: Trước hết, nói về văn bản. Trong bài “Thử xác lập văn bản bài thơ ‘Nam quốc sơn hà’” đăng trên tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1986, Trần Nghĩa cho biết ông tìm thấy cả thảy 26 dị bản khác nhau của bài thơ ấy. Bảy năm sau, cũng trên tạp chí Hán Nôm, số 2 năm 1993, có người cung cấp thêm một dị bản khác được khắc trên biển gỗ trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở Hà Bắc. Cũng chưa hết. Ngay sau đó, cũng trên tạp chí ấy, có người lại công bố một dị bản khác nữa. Như vậy, đến nay, chúng ta có ít nhất 28 văn bản với câu, chữ khác nhau. Về hiện tượng đa dị bản này, Trần Nghĩa có một nhận xét rất đáng lưu ý: “trong đời sống xã hội của nó, bài thơ mà chúng ta đang theo dõi không ngừng được sửa sang, không ngừng được tái tạo... và chưa bao giờ thật sự định hình.” (3)

Đó là về văn bản. Về tác giả, vấn đề cũng không đơn giản. Tất cả các nhà văn bản học đều dè dặt. Nói theo Hà Văn Tấn: “Không có một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ ‘Nam quốc sơn hà Nam đế cư’ là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Nhưng đó chỉ là đoán thôi làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng cho đến nay, mọi người dường như đều tin rằng đó là sự thật, hay đúng hơn, không ai dám nghi ngờ đó không phải là sự thật.” (4)

Như vậy, bài thơ được xem là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của dân tộc Việt Nam, thật ra, chỉ là một huyền thoại, hoặc ít nhất, được huyền thoại hoá. Tại sao người ta cần một huyền thoại như thế? Thì cũng vì chính trị. Huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ với trăm trứng trăm con cần thiết để đoàn kết mọi người. Huyền thoại về bản “tuyên ngôn độc lập đầu tiên” này cần thiết để củng cố niềm tự tin và tự hào đối với dân tộc nhất là khi dân tộc đối diện với những thách thức từ bên ngoài.

Trần Văn Giàu thâu tóm bài thơ vào hai ý lớn: “thứ nhất: quyền độc lập tự chủ của nước Nam ta là thiêng liêng, người muốn như thế, trời định như thế, không ai có thể chối cãi được. Thứ hai: ai đến xâm phạm quyền độc lập tự chủ của nó thì nhất định bại vong.”

Rồi ông nhấn mạnh: “Đơn giản thế thôi!” (5).

Thật ra thì không đơn giản như thế. Có một điều quan trọng mà Trần Văn Giàu không đề cập: trong cách nhìn của Lý Thường Kiệt, non sông nước Nam, “Nam quốc sơn hà”, chỉ là nơi vua Nam ở, “Nam đế cư”; ở đó, “quốc” đồng nhất với “đế”, nước và vua là một. Quan niệm này rõ ràng được vay mượn từ Trung Hoa. Có điều nó được du nhập vào Việt Nam có lẽ đủ lâu để trở thành tục ngữ: “đất vua, chùa làng”. Dù vậy, đó cũng là một sự thoái bộ so với truyện trăm trứng trăm con vốn xây dựng lòng yêu nước trên nền tảng huyết thống.

Sự thoái bộ này có lẽ xuất phát từ hai nguyên nhân: một, ảnh hưởng của Trung Hoa, đặc biệt của Tống Nho, càng lúc càng sâu đậm, qua đó, tư tưởng thiên mệnh trở thành niềm tin chính thống và mang tính phổ quát; hai, Việt Nam thời ấy đã dần dần trở thành một quốc gia rộng lớn bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau; yếu tố huyết thống vốn là cốt lõi của huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ không còn khả năng thống nhất mọi người lại với nhau như thời các bộ tộc thời xa xưa nữa. Tuy nhiên, quan trọng hơn, nội dung của bài “Thơ thần” không hẳn đã là lòng yêu nước. Đúng ra, đó chỉ là lòng trung quân. Dân chúng đánh giặc, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ không phải vì lòng yêu nước mà chủ yếu là vì sự trung thành đối với vua, đấng Con Trời.

Mà Con Trời thì do Trời định.

Vậy thôi.

Quan niệm này kéo dài đến tận thời Trần. Bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo cũng không nói đến lòng yêu nước. Nó chủ yếu chỉ đề cao lòng trung thành đối với vua, chúa và với chủ nói chung:

“Ta cùng các ngươi coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. Cách đối đã so với Vương Công Kiên, Cốt-đãi-ngột-lang ngày trước cũng chẳng kém gì. Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc thái thường để đãi yến nguỵ sứ mà không biết căm...”

Trong quan niệm của Trần Hưng Đạo, yếu tố thống nhất tướng sĩ và triều đình lại với nhau, ngoài lòng trung thành, còn có quyền lợi:

“Nếu có giặc Mông Thát tràn sang [...] ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận. Lúc bấy giờ dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không?”

Có thể nói, với Trần Hưng Đạo, nước chỉ là một cộng đồng của những người có chung một số những quyền lợi nhất định. Những quyền lợi ấy được bảo vệ bởi một triều đình độc lập và vững mạnh. Bảo vệ triều đình, do đó, một mặt, là để đền đáp ơn nghĩa; mặt khác, cũng để bảo vệ chính bản thân mình và gia đình mình. Có thể thấy thêm một bằng chứng khác nữa cho luận điểm này: khẩu hiện “Phá cường địch báo hoàng ân” gắn liền với vị thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản. Cũng thời nhà Trần.

Hơn một thế kỷ rưỡi sau, với “Bình Ngô đại cáo” (1428), Nguyễn Trãi là người đầu tiên có được một tầm nhìn bao quát và chính xác về khái niệm quốc gia. Ông viết:

Thay trời hành hoá, hoàng thượng chiếu rằng:

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.


Đoạn thơ ngắn nhưng bao quát được khá đầy đủ những yếu tố chính của một quốc gia: lãnh thổ, văn hiến, phong tục, chủ quyền, và lịch sử. Trong đó, có hai yếu tố mới: văn hoá và lịch sử. Nước, do đó, là một cộng đồng có một lãnh thổ riêng, độc lập, tự chủ, và một lịch sử cũng như một nền văn hoá với những phong tục riêng. Nhấn mạnh vào yếu tố văn hoá và lịch sử, trong quan niệm về lòng yêu nước của Nguyễn Trãi có một yếu tố vốn đã manh nha từ thời Trần: lòng tự hào. Tự hào về các bậc “hào kiệt đời nào cũng có”. Và sự quan tâm sâu sắc đến số phận của dân chúng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Có điều sự quan tâm ấy xuất phát từ đạo lý hơn là từ tình đồng bào như trong huyền thoại trăm trứng trăm con hay như những điều chúng ta thường nhắc đến, sau này.

Việc nhấn mạnh vào hai yếu tố văn hoá và lịch sử có ảnh hưởng rất sâu và kéo dài đến tận nhiều thế kỷ sau này. Trong một bài hịch viết trước lúc xuất quân đánh dẹp giặc Thanh vào năm 1789, Quang Trung cũng nhắc lại hai ý ấy:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Có điều, cả bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi lẫn bài hịch của Quang Trung đều được hoàn thành khi Lê Lợi và Quang Trung mới lên ngôi vua, do đó, không nhắc đến lòng trung quân. Sau này, khi triều đại của họ bắt đầu vững vàng, cũng như mọi triều đại phong kiến khác, người ta chỉ đề cao lòng trung quân chứ không phải là lòng yêu nước. Văn học Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 trở về trước rất hiếm khi nói đến ý niệm tổ quốc hay ái quốc. Người ta chỉ nói đến triều đình, triều đại, về lòng trung quân, về nghĩa vua tôi. Hết. Ái quốc tức là trung quân. Trung quân là ái quốc. Vua và nước hoàn toàn đồng nhất với nhau.

Để củng cố sự đồng nhất ấy, người ta phải vay mượn tư tưởng thiên mệnh từ Trung Hoa. Nói đến thiên mệnh là nói đến điều gì ít nhiều có tính chất mê tín. Tính chất mê tín ấy là một trong những cơ sở chính để xây dựng cái gọi là lòng yêu nước thời tiền-hiện đại. Tức trước thế kỷ 20.

Nói một cách tóm tắt, yêu nước, với người Việt Nam, ít nhất cho đến cuối thế kỷ 19, là yêu những điều tưởng tượng được định hướng bởi những ý đồ chính trị và bị tác động bởi những điều kiện văn hoá và lịch sử nhất định. Những điều tưởng tượng ấy được nuôi dưỡng bằng truyền thuyết và huyền thoại. Chưa đủ. Chúng còn được nuôi dưỡng bằng một điều mê tín mang nhãn hiệu triết học được nhập cảng từ Trung Hoa: tư tưởng thiên mệnh.

Tất cả những điều này bị sụp đổ hoàn toàn vào cuối thế kỷ 19 khi Pháp đánh chiếm Việt Nam và khi triều đình Huế, do khiếp nhược trước sức mạnh áp đảo của Pháp, đã ra lệnh cho dân chúng, đặc biệt dân chúng ở miền Nam, không được chống Pháp. Lúc bấy giờ mọi người phải đối diện với một lựa chọn gay gắt: Nếu tiếp tục trung với vua thì không yêu nước; nếu yêu nước thì không thể trung quân. Đó là lý do tại sao Phan Văn Trị đòi đái lên đầu vua:

Đứng lại làm chi cho mất công
Vừa đi vừa đái vẽ đầu rồng.


Và Ngô Đức Kế chửi cả vua Khải Định:

Ai về địa phủ hỏi Gia Long:
Khải Định thằng này phải cháu ông?


Tách ra khỏi ý thức trung quân, lòng yêu nước của người Việt Nam mới thực sự hình thành.

Tuy nhiên, điều đó, chúng ta sẽ bàn sau.

Từ từ.

Chú thích:

1.Các ý này tôi đã trình bày trong ba bài “Thế nào là yêu nước?” 1, 23 đã đăng trên VOA blog.
2.Trần Văn Giàu (1983), Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước, Thành phố HCM: nxb Văn Nghệ, tr. 85.
3.Tất cả các tài liệu này đều được dẫn lại từ cuốn Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 1 của Bùi Duy Tân (1999), nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr. 13-22.
4.Như trên.
5.Trần Văn Giàu (1983), sđd, tr. 86.

Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.