Hôm 26/9, một tòa án ở tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt mức án gần 50 năm tù đối với 15 người với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ do tham gia vào đợt biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng vào tháng 6, theo hãng tin Reuters.
Đài VOV loan tin Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã mở Phiên tòa sơ thẩm xét xử 15 người về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ trên Quốc lộ 1A tại khu vực cầu Nam, thị trấn Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình vào ngày 11/6.
Tất cả 15 người cùng ngụ tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tuổi từ 18 đến 31, bị tuyên phạt từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù, mà cáo trạng nêu là đã hành động “quá khích, bao vây la hét vu cáo công an đánh người, rồi dùng dùng bom xăng, gậy gộc, gạch đá… tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.”
Theo cáo trạng, sáng 11/6, có rất đông người dân tham gia tụ tập tại khu vực cầu Nam trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình buộc chính quyền tỉnh đã điều động khoảng 300 công an đến để giải tán đám đông.
Truyền thông Việt Nam cho hay vụ bạo động này làm nhiều chiến sĩ bị thương tích, 12 xe ô tô chị cháy hoàn toàn; 18 xe mô tô, ô tô và nhiều vật dụng khác bị hư hỏng, và gây ách tắc giao thông trên QL1A suốt 6 tiếng đồng hồ.
Báo Thanh Niên tường thuật tại phiên tòa rằng các bị cáo đã nhận tội, xin được giảm án.
Hôm 23/7, 10 người khác đã bị tòa án huyện Tuy phong tuyên án tổng cộng 27 năm tù giam vì tham gia bạo động tại thị trấn Phan Rí Cửa, theo VTC News.
Trước đó, ngày 12/7, Tòa án thành phố Phan Thiết đã xử phạt án tù đối với 7 người vì đã “hò hét, ném đá, bom xăng tự chế vào lực lượng Công an.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng rằng hàng trăm người bị bắt giữ trong chiến dịch đàn áp rộng khắp ở Việt Nam và có mọi lý do để tin rằng lực lượng công an đang đàn áp giới bất đồng chính kiến, chứ không đơn giản là ‘giữ trật tự công cộng’ trong vụ đợt biểu tình hồi tháng 6.
Hôm 15/6, HRW kêu gọi Việt Nam chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cho thuê đất dài hạn trong các đặc khu kinh tế.
Hàng ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, tỉnh Bình Thuận và một số khu vực khác. Kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên bắt đầu vào ngày 9/6/2018, cảnh sát đã đánh đập và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.