Một lực lượng lính cứu hỏa đông đảo và thiết bị tăng cường hôm 13/1 đổ về khu vực Los Angeles khi một đợt gió mạnh khác đe dọa sẽ gây ra thêm các vụ cháy rừng và cản trở tiến độ gần đây trong việc dập tắt ngọn lửa đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết ít nhất 24 người.
Các máy bay thả hóa chất chữa cháy và đội cứu hỏa sẵn sàng lao vào các điểm nóng đã được bố trí khắp thành phố và các sườn đồi khô cằn, đầy bụi rậm xung quanh. Hàng chục xe chở nước đã được bố trí để bổ sung nguồn cung cấp sau khi vòi cứu hỏa cạn kiệt vào tuần trước.
“Chúng tôi hoàn toàn chuẩn bị tốt hơn cho điều sắp tới”, Trưởng phòng Cứu hỏa Quận Los Angeles, Anthony Marrone, cho biết hôm 13/1 khi được hỏi đợt triển khai này có gì khác so với một tuần trước, khi gió mạnh như bão đã đẩy nhiều đám cháy lan rộng khắp một khu vực không có mưa trong hơn tám tháng.
Nhưng ông Marrone cảnh báo rằng gió mạnh có thể ngăn cản máy bay chữa cháy từ trên cao, giống như tuần trước, đồng thời kêu gọi người dân chuẩn bị sẵn vật nuôi, giấy tờ và các vật dụng quan trọng khác trong trường hợp phải sơ tán.
Trong vòng chưa đầy một tuần, bốn đám cháy xung quanh thành phố lớn thứ hai của Mỹ đã thiêu rụi hơn 160 km vuông, gấp khoảng ba lần diện tích của Manhattan.
Một số đội cứu hỏa bổ sung được điều tới Los Angeles đến từ khắp Hoa Kỳ và từ Canada và Mexico khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia cảnh báo rằng những ngày tới có thể trở nên “đặc biệt nguy hiểm”.
Cơ quan này dự đoán tình trạng cháy rừng nghiêm trọng sẽ kéo dài đến ngày 15/1, với gió giật ở vùng núi lên tới 105 km/giờ. Nhà phân tích cháy rừng Dennis Burns cảnh báo rằng ngày nguy hiểm nhất sẽ là ngày 14/1.
Hầu hết sự tàn phá đó là từ đám cháy Eaton gần Pasadena và đám cháy Palisades, trong một vùng đất giàu có dọc theo Bờ biển Thái Bình Dương. Lính cứu hỏa đã đạt được tiến triển trên cả hai mặt trận này trong những ngày gần đây, với đám cháy Eaton đã được khống chế khoảng một phần ba.
Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân
Số người chết đã tăng lên 24 vào cuối tuần và có khả năng sẽ tăng nữa, Cảnh sát trưởng Quận Los Angeles Robert Luna cho biết hôm 13/1. Ông nói ít nhất hai chục người còn mất tích.
Ông Luna nói ông hiểu rằng mọi người rất muốn trở về nhà và khu phố của họ để khảo sát thiệt hại, nhưng ông mong mọi người kiên nhẫn.
Khảo sát thiệt hại
Sức gió chậm hơn vào ngày 12/1 cho phép một số người trở về những khu vực đã sơ tán trước đó. Nhiều người không biết liệu nhà cửa hay khu phố của họ có còn nguyên vẹn hay không.
Ông Jim Orlandini, người đã mất cửa hàng kim khí của mình ở Altadena, một khu phố bị ảnh hưởng nặng nề bên cạnh Pasadena, cho biết ngôi nhà 40 năm của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Cảnh báo tránh xa các khu vực thảm họa
Cảnh sát trưởng cứu hoả của thành phố Los Angeles, Kristin Crowley, kêu gọi mọi người tránh xa các khu phố bị cháy, nơi có đường ống dẫn khí bị vỡ, các tòa nhà không ổn định và vẫn chưa có điện.
Các quan chức cũng cảnh báo rằng tro có thể chứa chì, asen, asbestos và các vật liệu có hại khác.
Gần 100.000 người ở Quận Los Angeles vẫn phải tuân theo lệnh sơ tán, bằng một nửa số người so với tuần trước. Hầu hết người dân ở khu vực Palisades sẽ không thể quay lại cho đến khi cảnh báo đỏ hết hiệu lực vào tối ngày 15/1.
Chiến đấu với lửa trên nhiều mặt trận
Các đội từ California và chín tiểu bang khác là một phần trong công tác tiếp ứng bao gồm gần 1.400 xe cứu hỏa, 84 máy bay và hơn 14.000 nhân sự, bao gồm cả lính cứu hỏa mới đến từ Mexico.
Tổng thống Joe Biden ngày 13/1 nói rằng ông đã chỉ đạo hàng trăm nhân viên liên bang, cũng như lực lượng hỗ trợ trên không và trên bộ của liên bang, để hỗ trợ dập tắt đám cháy và hỗ trợ những người sống sót cùng các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ có sẵn để hỗ trợ công tác chữa cháy khẩn cấp”, ông Biden cho biết.
Hồi cuối tuần, lính cứu hỏa đã chiến đấu dữ dội với ngọn lửa ở Mandeville Canyon, nơi sinh sống của tài tử Arnold Schwarzenegger và những người nổi tiếng khác.
Đám cháy Palisades lan rộng vào đêm 10/1, khiến chính quyền phải ban hành lệnh sơ tán mới. Các đội cứu hỏa tiếp tục chiến đấu ở đó vào ngày 13/1 trước khi gió mạnh có thể đẩy ngọn lửa về phía Bảo tàng J. Paul Getty nổi tiếng thế giới và Đại học California, Los Angeles.
Ca sĩ Beyoncé, công ty Disney cùng những người nổi tiếng và các tổ chức giải trí khác đã cam kết quyên góp hàng triệu đô la để giúp đỡ những người phải di dời hoặc mất nhà cửa. Những ngôi sao khác — và những người bình thường — đã để lại những khoản quyên góp lớn gồm quần áo và các vật dụng khác dọc theo các góc phố ở nhiều khu vực khác nhau của thành phố.
Điều tra tình trạng hôi của, lừa đảo gây quỹ
Hàng chục người đã bị bắt vì tội hôi của. Các viên chức cho biết hiện họ đang bắt đầu thấy tình trạng tăng giá và lừa đảo.
Chưởng lý quận Los Angeles Na-than Hochman ngày 13/1 nói rằng tình trạng tăng giá đã xảy ra ở các khách sạn, nhà cho thuê ngắn hạn và vật tư y tế. Những kẻ lừa đảo cũng đang liên lạc với mọi người để gây quỹ giả.
“Những tên tội phạm đã quyết định rằng đây là một cơ hội và tôi ở đây để nói với các bạn rằng đây không phải là một cơ hội. Các bạn sẽ bị bắt”, ông Hochman nhấn mạnh.
Kiểm kê số thiệt hại
Các đám cháy bắt đầu vào ngày 7/1 trên bờ biển Thái Bình Dương, phía bắc trung tâm thành phố Los Angeles đã thiêu rụi hơn 12.000 ngôi nhà, ô tô và các công trình khác. Chưa xác định được nguyên nhân.
Theo ước tính ban đầu của AccuWeather, các đám cháy lần này có thể là vụ cháy tốn kém nhất từ trước đến nay của quốc gia, lên tới hơn 250 tỷ đô la bao gồm cả những gì sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Các vụ cháy rừng ở Los Angeles, vốn đã biến toàn bộ khu dân cư thành đống đổ nát và để lại một cảnh quan tận thế, báo hiệu một sự phục hồi đầy thách thức và có khả năng chi phí bảo hiểm nhà ở sẽ tăng vọt.