Thêm nhiều đàn ông TQ cưới vợ VN vì tình trạng 'trai thừa gái thiếu'

Từ vùng châu thổ sông Mekong ở miền nam tới những thị trấn ở phía bắc, số lượng các cô gái trẻ Việt Nam kết hôn với đàn ông nước ngoài, phần lớn đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, ngày càng nhiều.

Your browser doesn’t support HTML5

Thêm nhiều đàn ông TQ cưới vợ Việt vì tình trạng 'trai thừa gái thiếu'

Lâm Kỳ, một thị trấn gồm các thôn nhỏ nằm rải rác giữa những cánh đồng ngô, sâu trong vùng đồi núi tỉnh Hà Nam, là một trong những tỉnh nghèo của Trung Quốc. Khu vực này cách Việt Nam khoảng 1.700km nhưng là một thị trường mới đang được mở rộng, và đôi khi bị lạm dụng, để mua bán hôn nhân với các nước Đông Nam Á.

Đời sống thay đổi

Nguyễn Thị Hằng, 30 tuổi, là một trong khoảng hai chục phụ nữ Việt Nam kết hôn với những người đàn ông ở Lâm Kỳ, đã đến đây vào tháng 11 năm 2013. Phương tiện sinh hoạt cơ bản của cô chỉ là một chiếc giường nhỏ bên trong những bức tường bê tông trần, và nhà vệ sinh được che bằng một tấm vải nằm ngoài trời, bên cạnh chuồng gà, song vẫn còn khá hơn so với nơi ở trước đây. Cô cho biết:

“Anh em bên nhà gợi ý là sang bên Trung Quốc lấy chồng. Chồng cũng quan tâm, sướng, mình chẳng phải làm cái gì cả, chỉ có ăn với chơi thôi [cười]. Các anh em mách bảo mình thế.”

Cô kết hôn với một người đàn ông 22 tuổi ở địa phương. Cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt và được tổ chức bằng một bữa tiệc mừng nhỏ tại quê nhà và ở Trung Quốc. Cô chia sẻ:

“Mình sang bên này lập gia đình thì bên nhà chồng quan tâm, bố chồng quan tâm, mà chồng cũng quan tâm lo lắng cho mình.”

Hằng kể mặc dù cô biết bên nhà chồng có đưa cho gia đình cô một số tiền nhưng cô không dám hỏi.

Dịch vụ mai mối, lấy vợ Việt Nam nở rộ

Dịch vụ kinh doanh mai mối hôn nhân này phát triển bởi nhu cầu từ những người đàn ông Trung Quốc ở nông thôn gặp khó khăn trong việc tìm vợ trước tình trạng trai thừa gái thiếu, do việc hạn chế số con.

Tại Trung Quốc, nơi chỉ cho phép mỗi gia đình có một con, những vụ phá thai lựa chọn giới tính bởi những gia đình thích con trai hơn con gái đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê của chính phủ, cứ 118 bé trai được sinh ra thì chỉ có 100 bé gái.

Hậu quả của tình trạng trai thừa gái thiếu này đã dẫn tới sự bùng nổ “giá cả cô dâu.” Gia đình của chú rể thường phải cáng đáng mọi chi phí, khiến cho đàn ông ở các cùng quê nghèo chịu thiệt thòi nhiều nhất. Một cô chủ tiệm tạp hóa cho biết:

“Để cưới vợ, nhà cô dâu thường đòi một chiếc xe hơi hay một căn nhà, vì vậy có nhiều tiền hơn thì mới dễ cưới vợ hơn. Ở Việt Nam, họ đòi mức giá thấp hơn.”

Thông thường, chi phí để lấy một người phụ nữ Việt là 20.000 nhân dân tệ (NDT) (tương đương 3.200 đô la Mỹ hoặc 70 triệu VND) – chưa tới 1/4 giá địa phương. Với một giá hời như vậy mà hơn 20 phụ nữ Việt đã tìm thấy cho mình mái ấm tại khu vực này trong những năm gần đây.

Rất nhiều trang web chuyên mai mối cô dâu Việt Nam cũng góp phần vào dịch vụ kinh doanh này bằng một loạt những hình ảnh phụ nữ Việt Nam được quảng cáo là “tốt bụng” và “biết vâng lời.”

Chị Chen Shih Mei-ying, (trái), người Việt Nam, kết hôn với anh Lin Wen-jui, một đầu bếp người Đài Loan.

Nhân viên của trang web giấu tên cho biết chi phí sắp xếp các buổi hẹn hò ở thành phố Hồ Chí Minh là 3.000 NDT (500 đô la Mỹ hay 10 triệu VND) và nếu hai người quyết định kết hôn, họ sẽ phải trả thêm 36.000 NDT (gần 6.000 đô la Mỹ hoặc hơn 120 triệu VND) chi phí tổ chức đám cưới bao gồm chụp ảnh cưới. Nhiều nơi thậm chí còn dịch vụ cung cấp cô dâu thay thế nếu cô dâu mới bỏ trốn. Nhân viên trang web vừa kể cho biết nếu phía cô gái xin ly hôn hoặc chạy trốn trong hai tháng đầu, công ty của cô chịu trách nhiệm tìm một người mới.

Lừa bán cô dâu

Tại một nơi tạm trú tại Việt Nam, AFP năm nay đã nói chuyện với khoảng chục cô gái bị người thân, bạn bè hoặc bạn trai của mình lừa bán sang Trung Quốc làm cô dâu. Kiab là một trong số đó. Anh trai của cô nói rằng anh ta sẽ dẫn cô tới một bữa tiệc ở một thị trấn gần nhà, nhưng kết cục anh ta lại bán cô cho một người đàn ông ở phía bên kia biên giới. Cô đã bị ép làm vợ người đàn ông này. Phải mất hơn một tháng cô mới thu hết đủ can đảm để chạy trốn. Cô nói:

“Cháu nghĩ là anh ấy không còn tính người nữa bởi vì em gái của mình mà anh ấy cũng có thể làm những việc như là bán em gái mình sang bên Trung Quốc.”

Cũng giống như Kiab, hàng chục cô gái khác thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực phía bắc Việt Nam, và cũng phải chịu chung một số phận. Lang, một nạn nhân khác của buôn người qua biên giới kể rằng:

“Đi đến bên Trung Quốc thì cháu bị người ta bán đi cho một gia đình để làm vợ. Ở tại gia đình đấy thì người ta không biết là cháu bị lừa. Ở gia đình đấy cháu cứ khóc và cháu đã dùng ký hiệu vẽ để miêu tả là cháu bị lừa.”

Theo tờ China Daily của Trung Quốc, cảnh sát nước này đã “cứu thoát và hồi hương” gần 1.300 phụ nữ nước ngoài chỉ trong năm 2012, hầu hết họ đến từ các quốc gia Đông Nam Á.

Giáo sư xã hội học Phương Cương tại trường đại học Triết Giang nói không có số liệu rõ ràng và rất có thể, tỉ lệ cưỡng ép hôn nhân là không lớn.

Mặc dù vậy, truyền thông Trung Quốc vẫn thường ghi lại những trường hợp “cô dâu chạy trốn,” những người chạy trốn chỉ ngay sau đám cưới.

Kết hôn tự nguyện

Nhưng cũng có một vài cuộc hôn nhân là tự nguyện. Nhiều người đàn ông ở Lâm Kỳ đã đến Việt Nam làm việc, và tại đây, cô gái Vũ Thị Hồng Thúy, 21 tuổi, đã gặp được chồng mình. Cô kể rằng cô và chồng cô tìm hiểu nhau, yêu nhau, và rồi đi tới kết hôn. Cô cho biết:

“Ở Việt Nam, sau khi lấy chồng, người vợ vẫn phải đi làm. Nhưng ở đây, người vợ có thể ở nhà.”

Trong khi đó tại Việt Nam, cũng giống như Trung Quốc, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu xảy ra ở miền Bắc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Hồng, khu vực mà người dân được cho là “thích con trai hơn con gái,” cũng khiến nhiều đàn ông Việt Nam rơi vào tình cảnh có nguy cơ không tìm được vợ trong tương lai.

Báo chí trong nước hôm 23/9 đã đăng tải nhiều bài viết cảnh báo về nguy cơ “ế vợ” của đàn ông Việt sau khi có tin về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 105, 106 lên tới 120 bé trai trên 100 bé gái.

Theo nhận định của các giới chức, nếu không can thiệp kịp thời, thì dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Nguồn: AFP, VOA