Tổ chức Cơ đốc giáo Quốc tế và các nhóm nhân quyền bày tỏ quan ngại về việc một tòa án ở Thái Lan đã ra phán quyết cho phép dẫn độ nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh Bdap về Việt Nam, đồng thời nhóm này yêu cầu chính phủ Thái Lan không dẫn độ ông vì ông có nguy cơ bị đàn áp ở quê nhà.
“Việc chính phủ Việt Nam yêu cầu các quan chức Thái Lan dẫn độ ông Bdap, dù ông không có mặt ở Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc bạo loạn như cáo buộc, là điều bất bình thường”, tổ chức Cơ đốc giáo Quốc tế (ICC) nói hôm 2/10 trong một tuyên bố.
ICC, một tổ chức phi chính phủ tại thủ đô Washington của Mỹ chuyên tranh đấu cho nhân quyền của tín đồ Kitô giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, lập luận rằng ông Bdap đã sang Thái Lan từ năm 2018 để xin tị nạn và tái định cư rồi, vậy làm thế nào ông tham gia vào vụ khủng bố chống chính quyền hồi tháng 6/2023 tại Việt Nam.
Như tin đã đưa, vào ngày 30/9, Tòa án Hình sự Bangkok của Thái Lan đã ra lệnh dẫn độ ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MFSJ), về Việt Nam để đối mặt với cáo buộc khủng bố và hoạt động chống chính quyền. Luật sư của ông Bdap đang kháng cáo phán quyết của tòa Bangkok.
ICC cho biết họ đã theo dõi chặt chẽ trường hợp của ông Bdap và đã điều tra hoàn cảnh của những người theo Cơ đốc giáo đã rời khỏi Việt Nam và đang xin tị nạn tại Thái Lan.
“Vụ án của ông Bdap cực kỳ nghiêm trọng vì nếu bị dẫn độ, ông gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với bạo lực và đàn áp nhiều hơn ở Việt Nam”, một thành viên của ICC cảnh báo trong tuyên bố.
“Nếu ông bị dẫn độ, đây là một ‘sự trượt dốc’ sẽ khiến những người tị nạn Cơ đốc giáo bị đàn áp khác đang xin tị nạn ở Thái Lan có nguy cơ bị dẫn độ về quê nhà của họ và chắc chắn phải đối mặt với sự đàn áp lớn hơn và có thể còn tồi tệ hơn. Giáo hội quốc tế và cộng đồng nhân quyền phải nỗ lực ngăn chặn việc dẫn độ ông Bdap và bất kỳ quá trình dẫn độ tương tự nào khác và giúp đỡ hàng trăm người tị nạn Cơ đốc giáo đang chờ mòn mỏi ở Thái Lan”, thành viên ICC nói thêm. “Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến mong muốn to lớn này của họ và chúng ta phải hành động”.
Tương tự, Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển Châu Á (Forum-Asia) hôm 2/10 cho biết họ quan ngại sâu sắc trước việc Tòa án Hình sự Bangkok ra phán quyết về dẫn độ ông Bdap, và cho phép chính phủ Thái Lan dẫn độ ông.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thái Lan trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Bdap và hủy bỏ lệnh dẫn độ ông”, Forum-Asia đưa ra lời kêu gọi trên X.
Việc dẫn độ ông Bdap về Việt Nam, nơi ông phải đối mặt với các cáo buộc có động cơ chính trị và có nguy cơ bị truy tố, sẽ vi phạm luật pháp trong nước của Thái Lan và các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo nguyên tắc không đẩy trả lại, Forum-Asia đưa ra ý kiến.
“Khi Thái Lan đang tranh cử một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nước này phải củng cố cam kết bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền”, tổ chức nhân quyền khu vực gồm 85 tổ chức thành viên từ 23 quốc gia trên khắp Châu Á, đưa ra lời kêu gọi.
Tương tự, tổ chức CIVICUS có trụ sở ở Nam Phi, hôm 1/10 lên tiếng rằng quyết định của tòa án Thái Lan cho phép dẫn độ ông Bdap về Việt Nam khiến ông có nguy cơ bị tra tấn hoặc xâm hại. “CIVICUS kêu gọi chính quyền Thái Lan đảo ngược phán quyết, bảo vệ quyền lợi của ông, trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện”, nhóm này viết trên trang X.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu họ đưa ra bình luận về những phát biểu và lời kêu gọi trên, nhưng chưa được trả lời.
Chính quyền Việt Nam cáo buộc ông Bdap “dàn dựng các cuộc tấn công từ xa”, hay nói cách khác, ông có vai trò trong vụ tấn công vào hai cơ quan chính quyền cấp xã ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023, trong đó các tay súng đi xe máy đã nổ súng khiến 9 người chết trong một hành động bạo lực hiếm hoi chống lại chính quyền cộng sản.
Nhà chức trách Việt Nam cho rằng ông Bdap, đồng sáng lập MSFJ, đã chỉ đạo nhóm người tấn công đó, và họ ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với ông Bdap và một số người khác.
Hồi tháng 1/2024, chính quyền Việt Nam đã kết án gần 100 người, xác định rằng nhóm người này có liên quan đến vụ tấn công nói trên, trong số này ông Bdap bị xử vắng mặt 10 năm tù với tội danh “khủng bố”.