Thi thể 7 công dân Nhật trong vụ tấn công ở Bangladesh được đưa về nước

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đặt hoa viếng các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ở thủ đô Dhaka, Bangladesh hồi tuần trước tại sân bay Haneda ở Tokyo, ngày 5/7/2016.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 5/7 cho biết ông cảm thấy "đau buồn sâu sắc và phẫn nộ mạnh mẽ" khi thi thể của bảy công dân Nhật thiệt mạng trong cuộc tấn công tại một nhà hàng ở Bangladesh được đưa trở về nước.

Các nạn nhân nằm trong số 20 con tin và hai cảnh sát viên thiệt mạng hôm 2/7 ở Dhaka.

Ông Kishida nói: "Tôi đau đớn tột độ khi vụ khủng bố tàn bạo và ghê tởm đã cướp đi những mạng sống quý báu và dẫn đến kết thúc đáng hối hận này".

Ông cam kết rằng Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để đảm bảo một cuộc tấn công như vậy sẽ không xảy ra nữa.

Các lực lượng an ninh Bangladesh đã giết chết sáu tên trong số những kẻ tấn công đã xông vào nhà hàng cao cấp, và bắt giữ một tên khác. Họ cũng giải cứu 13 con tin, năm người trong số đó hiện vẫn bị tạm giữ, mặc dù không rõ đó là do họ bị tình nghi hay bị thẩm vấn để có thêm thông tin chi tiết về cuộc tấn công.

Chỉ huy cảnh sát Bangladesh Shahidul Haque nói hôm 4/7 rằng hai người đàn ông, bao gồm cả kẻ bị tình nghi là chiến binh, đang bị thẩm vấn. Ông từ chối cho biết liệu hai người đó có thuộc số những người được tính là con tin hay không, nhưng ông xác nhận họ đang được điều trị các vết thương tại bệnh viện.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng cho đến nay không có gì xác nhận mối liên kết giữa nhóm này và những kẻ tấn công. Giới chức chính phủ phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào của Nhà nước Hồi giáo.

Thay vào đó, Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan cho biết các chiến binh đều là thành viên của một nhóm hình thành trong nước có tên Jumatul Mujahedeen Bangladesh, JMB, vốn đã bị cấm ở nước này trong hơn một thập kỷ.

Chuỗi các vụ tấn công khủng bố

Bangladesh đã chứng kiến một số cuộc tấn công trong những tháng gần đây, chủ yếu nhằm vào các blogger thế tục, những người vô thần và các tôn giáo thiểu số. Những tên khủng bố IS và al-Qaida ở tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) đã nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công.

Hôm 30/6, Mỹ tuyên bố AQIS là một "tổ chức khủng bố nước ngoài" và gọi Asim Umar, thủ lĩnh của AQIS, là "tên khủng bố toàn cầu bị xếp hạng đặc biệt".

Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của Al-Qaeda, đã công bố việc hình thành nhóm này ở tiểu lục địa Ấn Độ vào năm 2014 và Umar đã xuất hiện trong các ấn phẩm của al-Qaeda trên tư cách là thủ lĩnh của nhánh ở Ấn Độ. Người ta tin rằng Umar trú chân ở Pakistan, nhưng đã sinh ra ở Ấn Độ vào giữa những năm 1970.