Cuộc giao tranh tại thành phố Kobani ở phía bắc Syria, đã buộc khoảng 200.000 người chạy tới khu vực đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Cư dân tại các thị trấn lân cận bên Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tiếp nhận họ, nhưng đang tỏ ra lo lắng về tương lai. Từ thị trấn Suruc ở khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, thông tín viên Scott Bobb của VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Vào một buổi chiều ấm áp, người tỵ nạn đi lánh các cuộc giao tranh tại Kobani lại tụ tập ở Suruc, nằm cách biên giới Syria khoảng 10 km. Họ đến đây mỗi ngày để trao đổi tin tức về quê hương của họ và về những người hàng xóm mỗi ngày một ít đi ở Kobani.
Các tin tức gần đây đã khả quan hơn so với cách đây vài tuần, khi quân chủ chiến Nhà nước Hồi giáo hầu như tràn ngập khắp Kobani. Tình trạng này đã khiến hầu hết cư dân của Kobani - phần lớn là người Kurd - phải bỏ nhà cửa ra đi lánh nạn.
Bây giờ họ sống trong các trại tạm trú hoặc với người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ nhận được một số hỗ trợ nhưng cuộc sống rất khó khăn.
Giống như Kobani, thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ này cũng có một số người Kurd đông đảo.
Ông Osman, chủ nhân một cửa hàng địa phương - cho biết làn sóng tỵ nạn đã đẩy mạnh việc làm ăn của ông. Tuy nhiên, ông không lấy làm vui về tình hình này.
"Việc làm ăn rất tốt. Nhưng đồng bào của chúng tôi đang đối mặt với chết chóc tại Kobani. Chúng tôi không vui về tình hình diễn ra ở đó. Sự đau khổ mà họ chịu đựng là nỗi đau khổ của chúng tôi."
Có mặt tại đây trong một chuyến đi thăm ngắn ngủi, phát ngôn viên của chính quyền địa phương người Kurd ở Kobani, ông Idriss Nassan, nói những nhu cầu của những người tị nạn vô cùng to lớn.
"Họ đi lánh nạn với chỉ có bộ quần áo trên người, và vì vậy họ cần tất cả mọi thứ. Họ cần có nơi tạm trú. Họ cần có lương thực bởi vì mùa đông đã đến gần và thời tiết giờ đang thay đổi."
Hơn một triệu người Syria đã chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ trong ba năm nội chiến vừa qua, tăng sức ép đối với các dịch vụ và nền kinh tế của các cộng đồng địa phương.
Chủ cửa hàng ăn nhanh Mohamed cho biết người dân địa phương sẵn sàng giúp đỡ người tỵ nạn. Tuy nhiên, ông tự hỏi thiện chí đó có thể kéo dài tới bao giờ.
"Chúng tôi rất sợ. Thành phố của chúng tôi rất nhỏ. Không có việc làm hoặc các công ty. Chúng tôi không có đủ nước. Chúng tôi sẽ phải làm gì? Hiện giờ, chúng tôi có từ 20 đến 30.000 người tị nạn ở đây. Tình hình sắp tới sẽ như thế nào? Thật là vô cùng khó khăn ".
Tuy nhiên, tất cả mọi người đều đồng ý rằng mối quan hệ lịch sử giữa họ với người dân Kobani đã khiến họ cảm thấy có nghĩa vụ phải ra sức giúp đỡ cho những người tỵ nạn trong khả năng của mình.