Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, giá dầu sụt và giá trị của bảng Anh tuột dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu tách ra khỏi EU. Các nhà đầu tư lo lắng tìm nơi cất vốn an toàn, thu mua vàng và các loại trái phiếu chính phủ chắc chắn.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm từ 3,3% trở lên trong phiên giao dịch hôm nay. Các thị trường chứng khoán Châu Âu cũng giảm, chỉ số chính của thị trường London sụt 3%, chỉ số chứng khoán của Pháp giảm 8%.
Hãng tin Bloomberg ước lượng các thị trường chứng khoán trong vùng Châu Á mất ít nhất 700 tỉ đô la tiền vốn trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Thị trường chứng khoán Nhật Bản sụt mạnh đến nỗi các giới chức phải cho ngưng giao dịch một lát sau khi áp dụng biện pháp tự động nhằm xoa dịu thị trường.
Các hãng đánh giá tín dụng lớn cho rằng việc Anh ra khỏi EU sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Anh. Công ty Moody’s nói cuộc trưng cầu dân ý tại Anh là tín hiệu cho thấy một thời kỳ không ổn định kéo dài tác động tới kinh tế, tài chính Anh. Theo S&P, đánh giá tín dụng củ Anh có thể sẽ tuột hạng. Công ty Fitch gọi sự kiện này có tác động tiêu cực đối với tín dụng Anh.
Giáo sư luật của Đại học Havard, Hal Scott, người nghiên cứu về các hệ thống quốc tế, cho rằng các nguyên tắc kinh tế cơ bản đã thay đổi với nước Anh, nhưng không đủ để châm ngòi cho một cuộc suy thoái trừ khi có một tình trạng hoảng loạn "phi lý". Ông dự đoán tình hình bất ổn của thị trường thế giới hiện nay sẽ tiếp diễn trong "một thời gian."
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Christine Lagarde, kêu gọi Anh và Châu Âu đàm phán một mối quan hệ kinh tế mới một cách càng êm đẹp càng tốt. Bà nói IMF hoan nghênh các biện pháp các ngân hàng trung ương ở Anh và Châu Âu đã loan báo nhằm đảm bảo ngân hàng có thể tiếp tục cho vay.
Tình hình bất định khiến các nhà đầu tư và các chủ cho vay lo lắng. Họ có khuynh hướng muốn ngưng cho vay trong thời gian khủng hoảng, vốn có thể làm trì trệ hơn nữa nền kinh tế và làm vấn đề trầm trọng thêm. Ngân hàng Anh đã dành 342 tỷ đô la để cung cấp "thanh khoản", giữ cho thị trường tiếp tục hoạt động.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew cho biết các nhà hoạch định chính sách có những công cụ cần thiết để "hỗ trợ ổn định tài chính", vốn là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết cơ quan của ông sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho báo giới biết Nhật đang theo dõi sát các thị trường tiền tệ ‘cực kỳ hoang mang’ trong khi chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ "dùng mọi biện pháp cần thiết" để làm dịu thị trường ngoại hối.
Cho đến nay, nạn nhân lớn nhất của cuộc trưng cầu dân ý dường như là đồng bảng Anh, sụt từ 1,5 đôla xuống còn 1,34 đôla vào giữa ngày hôm nay.
Tiền Anh hạ giá thấp sẽ khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, có thể thổi bùng lạm phát. Tuy nhiên, giá trị bảng Anh giảm đi cũng có nghĩa là hàng hóa do Anh sản xuất sẽ rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, cho nên dễ tiêu thụ trên các thị trường toàn cầu, thúc đẩy hàng xuất khẩu của Anh.