Anh Mohamed Khairullah mô tả bản thân là một thị trưởng Mỹ ngẫu nhiên theo đạo Hồi. Là thị trưởng 3 nhiệm kỳ của thành phố Prospect Park, bang New Jersey, Khairullah nói thị trấn 6 ngàn cư dân này là một ví dụ cho thấy yếu tố sắc tộc và tín ngưỡng không chi phối quyết định lựa chọn một lãnh đạo cộng đồng.
Khi cậu bé Mohamed Khairullah 16 tuổi, người gốc Syria, tới định cư tại thị trấn nhỏ bé ở bang New Jersey này vào năm 1991, cậu không dám mường tượng rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành thị trưởng nơi đây.
Nhưng một ngày nọ, cậu chợt nhìn thấy một điều gợi ra tương lai của mình.
Khairullah chia sẻ: “Tôi nhớ trên đường đi bộ tới trường tôi nhìn thấy một tấm bảng chính trị có tên một người gốc Ả Rập. Tôi nhủ thầm: ‘Hay thật.’ Điều đó đã ươm một hạt mầm trong đầu óc của tôi.”
Năm 2001, một năm sau khi nhập quốc tịch Mỹ, Khairalluh ra vận động một vị trí dân cử. Khairullah cho biết tín ngưỡng Hồi giáo trong anh không là một vấn đề lớn đối với các cử tri.
Khairullah nói: “Bất chấp những khác biệt, chúng ta không tấn công nhau dựa trên tôn giáo hay sắc tộc. Sắc tộc là của chúng ta, của gia đình dòng tộc sinh ra chúng ta. Và tôn giáo của chúng ta là nơi thờ tự, tôn giáo thuộc về nơi ấy.”
Khairullah nói, tôn giáo đối với anh, có vai trò cung cấp nền tảng đạo đức: “Tôi không áp đặt tôn giáo của mình trong công tác vận hành thị trấn này, nhưng tôn giáo của tôi áp đặt lên tôi những giá trị đạo đức để tôi hoạt động.”
Cũng giống như những nơi khác tại Mỹ, hiện giờ là mùa bầu cử ở Prospect Park. Khairullah không ra tái tranh cử, nhưng 2 trong số 6 người nắm ghế ở hội đồng thành phố đang ra tranh cử.
Ngoài công tác vận động, hầu hết thời gian của Khairullah được dành để trao đổi với cư dân thành phố qua điện thoại hoặc giao tiếp với cộng đồng qua mạng xã hội.
Bên cạnh những trách nhiệm công tác hằng ngày, Khairullah không bỏ quên quá khứ của mình. Anh đã nhiều lần trở lại quê hương Syria bị chiến tranh tàn phá trong các chuyến cứu trợ nhân đạo, cung cấp thực phẩm và đồ tiếp tế cho những người cơ nhỡ.
Thị trưởng Khairullah nói: “Bất chấp những hiểm nguy, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ những người dân bị cộng đồng quốc tế và thế giới bỏ rơi và điều đó là một thách thức đối với chính phủ độc tài và những người ủng hộ chế độ độc tài.”
Những người biết Khairullah, một cựu giáo viên, mô tả anh là một người đàn ông hướng về gia đình.
Anh Intashan Chowdhury, từng là học trò của Khairullah, cho biết: “Đây là một cộng đồng hướng về gia đình, chúng tôi cần những người hướng về gia đình như Thị trưởng Khairullah.”
Một học trò khác của Khairullah tên là Priscilla Nunez, chia sẻ cảm nghĩ: “Tôi phải nói là anh ấy rất ôn hòa, nhắc nhớ tôi đến thân phụ của mình. Anh ta luôn nói chuyện với chúng tôi với một sự tôn trọng.”
Mục tiêu Khairullah đề ra cho 3 đứa con của mình là chúng phải trở thành những nhân tố tích cực cho thế giới. Thông điệp anh gửi tới con cái và những người có chí hướng muốn lãnh đạo chính là tinh thần nhân ái quan trọng hơn nhiều so với sắc tộc hay tín ngưỡng.