Cô Jocelyn Yow, người gốc Việt trở thành thị trưởng thành phố Eastvale, hạt Riverside (California) ở tuổi 25, nói với VOA rằng điều thôi thúc cô tham gia vào chính quyền là giá trị của dịch vụ công và quyền của phụ nữ. Cô rất vinh dự trở thành một trong những thị trưởng da màu trẻ nhất ở bang California và chia sẻ rằng giấc mơ Mỹ đối với cô là có thật, dù giấc mơ này đối với mỗi người mỗi khác.
Cô Yow có mẹ là một người tị nạn gốc Việt và cha là một di dân người Malaysia. Cô Yow đắc cử nghị viên thành phố Eastvale năm 2018, được bầu làm phó thị trưởng năm 2019, và trở thành thị trưởng thành phố này vào tháng 12/2020. Cô Jocelyn Yow còn là nhà quản lý của IGNITE National, một tổ chức chính trị có mục tiêu thăng tiến phụ nữ trong xã hội. Cô từng là đại diện khu vực cho Thượng viện bang California và là trợ lý cho các dân biểu liên bang Hoa Kỳ.
Sau biến cố 30-4-1975, mẹ cô từ Sài Gòn vượt biển đến Malaysia và sau đó tị nạn tại Hoa Kỳ khi bà mới 7-8 tuổi, cha cô là một du học sinh người Malaysia gốc Hoa. Cô Joycely Yow sinh ra ở San Jose vào năm 1995 nơi cha mẹ cô gặp nhau. Là một người con của gia đình di dân gốc Á, cô nhận thấy tầm quan trọng của việc đưa tiếng nói của di dân trong nền chính trị Hoa Kỳ.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Thị trưởng Jocelyn Yow với VOA.
VOA: Xin chào Thị trưởng Yow, xin cô cho biết điều gì đã khiến cô tham gia vào chính quyền thành phố Eastvale?
Jocelyn Yow: Bạn bè của tôi, gia đình của tôi, những người tôi chưa bao giờ gặp nói với tôi rằng tôi có khả năng truyền cảm hứng. Và thực tế cũng cho thấy rằng không có nhiều phụ nữ tham gia chính trị, đặc biệt là phụ nữ Mỹ gốc Á. Và nhiều người cũng muốn mang lại cho họ hy vọng, thắp lên hy vọng cho họ, và tôi thật sự vui mừng vì tôi đã có thể làm được điều đó. Ngoài ra, tôi thấy cũng thực sự chưa thỏa đáng khi biết rằng không có nhiều người Mỹ gốc Á hoặc phụ nữ da màu tham gia chính trị, và vì vậy hy vọng chúng ta có thể thay đổi điều đó và chúng ta có thể cải thiện điều đó.
Tôi từng là một cô gái hướng đạo và tôi luôn quan tâm đến quyền của phụ nữ và đảm bảo rằng phụ nữ có quyền bình đẳng. Và khi lớn lên, bố tôi là thành viên Câu lạc bộ Sư tử, từng đưa tôi đến tất cả các sự kiện của Câu lạc bộ Sư tử này. Tôi lớn lên trong một gia đình coi trọng dịch vụ công. Và vì vậy tôi thích giá trị cốt lõi của mình trong hoạt động công ích và đảm bảo rằng phụ nữ có quyền bình đẳng. Và do đó, kết hợp cả hai điều đó, tôi thấy chính trị là con đường hoàn hảo để tôi hiện diện để thực hiện hai giá trị: dịch vụ công và ủng hộ quyền phụ nữ. Và đó là lý do đã thôi thúc tôi bước vào con đường chính trị, thực sự không hẳn là chính trị, mà là dịch vụ công và quyền của phụ nữ.
VOA: Cô có thể chia sẻ vài điều cho những người cùng trang lứa với mình về việc tham gia chính trị, đặc biệt đối với giới trẻ gốc Á?
Jocelyn Yow: Không có ai, không ai hiểu rõ cộng đồng của bạn hơn bạn. Không ai hiểu thành phố của bạn, tiểu bang của bạn hơn bạn vì vậy tôi luôn nói với mọi người và kể cả bản thân tôi rằng phải tự mình đi tìm thay vì để người khác giải quyết vấn đề thay cho mình, hãy cố gắng thay đổi điều mà mình muốn thấy trong cộng đồng của chính mình. Nếu bạn gặp vấn đề trong thành phố của mình, hãy ứng cử vào chính quyền thành phố đó, đừng đợi người khác làm việc đó cho bạn. Bạn biết thành phố của bạn, bạn biết cộng đồng của bạn, bạn biết những người hàng xóm của bạn rõ hơn tất cả những người khác. Vì vậy, đừng bao giờ trông mong bên ngoài để tìm cảm hứng hoặc ý tưởng bởi vì bạn biết rõ điều đó hơn ai hết. Đó là những gì tôi sẽ nói cho tất cả mọi người.
VOA: Cha mẹ cô ủng hộ việc cô tham gia vào chính trị như thế nào, những người trước đây ít có cơ hội tiếp cận với nền chính trị Hoa Kỳ?
Jocelyn Yow: Cha mẹ tôi không quan tâm lắm đến chính trị. Họ chắc chắn không hiểu hết những gì tôi đang làm. Nhưng bất kể tôi làm gì, cha mẹ tôi luôn ủng hộ tôi, kể từ khi tôi còn nhỏ, như những gì tôi chọn làm, vì vậy họ chắc chắn ủng hộ tôi.
Nhưng tôi luôn nói với mọi người rằng tham gia chính trị là một thứ xa xỉ. Trong chính trị, đối với một số người, đó là một thứ xa xỉ. Đó là điều mà bố mẹ tôi không có khả năng thực hiện bởi vì giống như nhiều gia đình nhập cư đến đây lúc bấy giờ, họ phải quần quật mưu sinh và đó là ưu tiên số một của họ. Mưu sinh là điều duy nhất mà họ có thể tập trung vào và không có gì khác. Và vì vậy, họ có thể không nhất thiết phải hiểu biết về chính trị, nhưng họ chắc chắn rất ủng hộ tôi.
VOA: Cô có thể chia sẻ vài điều về cha mẹ cô và những điều thú vị liên quan đến đặc tính gốc Việt của mình?
Jocelyn Yow: Tôi biết rằng sau khi Sài Gòn thất thủ, gia đình mẹ tôi ra đi và họ dừng chân tại một trại tị nạn ở Malaysia trước khi được đưa sang Hoa Kỳ và sau đó họ được tái định cư ở bờ phía đông, trước khi chuyển đến San Jose. Đó là tất cả những gì tôi biết. Tôi không muốn ép mẹ tôi phải kể cho tôi nghe bất cứ điều gì về chuyện này.
Chúng tôi có về Việt Nam khi tôi còn học cấp 3, có lẽ lúc tôi 14 tuổi. Tất cả chúng tôi quay trở lại và thăm gia đình bên mẹ tôi.
Đó là chuyến đi rất vui vì tôi thực sự thích ẩm thực Việt Nam. Thức ăn rất ngon. Nhưng đó là một trải nghiệm mở rộng tầm mắt. Ngoài ra có thể gặp gỡ gia đình mà tôi trong cả đời chưa bao giờ gặp và có một trải nghiệm thực sự tốt đẹp. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu thêm một chút về văn hóa, di sản Việt Nam.
VOA: Cô nghĩ như thế nào về giấc mơ Mỹ đối với những người tị nạn, người di dân và gia đình của họ?
Jocelyn Yow: Tôi tin vào giấc mơ Mỹ nhưng tôi cũng biết rằng giấc mơ Mỹ không phải lúc nào cũng công bằng. Tôi nghĩ là có giấc mơ Mỹ nhưng tôi cũng nghĩ rằng một số người cần phải làm việc chăm chỉ hơn nhiều để đạt được giấc mơ Mỹ đó so với một số người có thể không cần phải làm như vậy. Tôi không nghĩ đó là một sân chơi bình đẳng. Nếu bạn có nhiều tiền hơn, giấc mơ Mỹ của bạn được hiện thực hóa nhanh hơn. Bạn có thể đạt được giấc mơ Mỹ nhanh hơn nhiều nếu bạn có tiền và tất nhiên bạn biết bạn sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để đạt được giấc mơ Mỹ đó. Vì vậy, tôi nghĩ nó tồn tại nhưng tôi không nghĩ giấc mơ Mỹ với tất cả mọi người đều giống nhau.