Thiên đình chưa... ‘thấu’

Một Facebooker viết: "Anh nói rất hay về sự cần thiết phải thay đổi để đất nước vươn mình nhưng những gì nhân dân nhìn thấy trước mắt thì chưa phải như vậy, điển hình là Nghị định 168..." Hình minh họa.

Trân Văn


Bất kể dư luận dậy lên thành bão trên mạng xã hội và gần như tất cả các cơ quan truyền thông chính thức đều đã lên tiếng phản ánh về thảm nạn giao thông sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực thực thi, suốt ba tuần vừa qua, các viên chức hữu trách vẫn im hơi lặng tiếng giống như đang mắc “tứ chứng nan y” (không nghe, không thấy, không thể nói và không thể cử động) từng được đề cập trong truyện cười dân gian về Trạng Quỳnh. Đó cũng là lý do đủ thứ hình ảnh, ý kiến về thảm họa giao thông do Nghị định 168/2024 tạo ra tiếp tục là chủ đề chính.

Một số người sử dụng mạng xã hội tiếp tục bỡn cợt những quy định vô lý của Nghị định 168/2024, chẳng hạn, nếu không dùng tay ra hiệu khi băng qua đường sẽ bị phạt đến 250.000, thành ra Thuan Vuong Tran giới thiệu video clip ghi lại cảnh một người đàn ông vừa băng qua đường, vừa khoa tay, cho dù giống như đang biểu diễn một bài quyền, song lại chẳng khác gì tâm thần bất thường, kèm chú thích: Anh chị em chú ý, tôi chỉ hướng dẫn một lần thôi, vì làm thêm lần nữa thì có thể tôi phải vào nhà thương [1]! GB Nguyễn Lộc giới thiệu video clip ghi lại cảnh hai thanh niên khiêng xe hai bánh gắn máy lên lề nhằm thực hiện đúng yêu cầu không đậu xe dưới lòng đường, không chạy trên lề kèm chú thích: Để không bị phạt khi tham gia giao thông 2025 [2].

Tuy nhiên số người bỡn cợt như thế chẳng đáng là bao so với số người bất bình bởi sự bất cập, chẳng hạn: Sử dụng điện thoại di động ở cây xăng thì bị phạt nhưng sử dụng điện thoại quét mã QR để thanh toán tiền xăng thì sao, có bị phạt không [3]? Sự bất cập không chỉ nằm ở các quy định không giống ai nhưng lại là “quy phạm pháp luật” mà còn nằm ở thực trạng đang tạo ra sự ngột ngạt trên diện rộng do không có bất kỳ sự chuẩn bị nào về hạ tầng giao thông. Đó là những video clip ghi lại hệ thống đèn giao thông ở chỗ này không có đèn đỏ nên người chứng kiến mỉa mai là “đẳng cấp xứ thiên đường[4], còn ở chỗ kia đèn xanh chỉ sáng trong... hai giây, thay vì chuyển động, thiên hạ buộc phải dừng, buộc phải thảo luận xem làm sao mới không… dính bẫy [5].

Chưa biết đến bao giờ Nghị định 168/2024 mới được điều chỉnh để đạt mục tiêu tái lập trật tự - an toàn giao thông, cảnh rừng người và xe bất động khắp nơi, nhiều người gục xuống tay lái vì đèn chuyển đã bốn, năm nhịp song vẫn chưa tới lượt [6], không chỉ xe cứu thương, ngay cả xe thuộc diện ưu tiên của quân đội dẫu chớp đèn, hụ còi vẫn không thể thoát ra khỏi mớ bùng nhùng mà Nghị định 168/2024 tạo nên [7],... mới hết. Đó cũng là lý do, có người như Nguyễn Thiện thúc giục: Nhà chức trách phải lên tiếng về giải pháp để xe cấp cứu có đường đi từ video phản ánh thực tế ở TPHCM! Không thể im lặng [8]! Có người nhận định như Nguyễn Hữu Vinh: Có lẽ con số 168 sẽ được ghi vào lịch sử nước nhà như một biến cố [9]...

Việc điều chỉnh Nghị định 168/2024 dường không dễ vì vừa ảnh hưởng đến thể diện chính quyền, vừa làm giảm nguồn thu của ngành công an bất kể có những người như Dac Du Vo “kính báo”, đại ý, dẫu việc chỉ trích nghị định 168/2024 đã bị lên án là “luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc” nhưng báo Sài Gòn Giải Phón cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP.HCM vẫn dám bảo “Giao thông TP. HCM quá tải trầm trọng sau khi Nghị định 168 có hiệu lực” là kỳ lạ và hơn một tuần nay khi ra đường, đối tượng chửi bới loạn xạ trong đám kẹt xe đông như quân Nguyên, tuy không thể bóc tách âm thanh để xác định nội dung cụ thể là chi nhưng trong sự hỗn độn đó tui có nghe được mấy từ như một sáu tám [10]...

***

Từ thực trạng giao thông trở thành thảm họa, Bị Cạo Râu tâm tình với ai đó, đại ý: Anh bảo có ba điểm nghẽn cản trở đất nước ta phát triển là thể chế, nhân lực và hạ tầng. Biết hạ tầng giao thông nghẽn nhưng anh cho phép phạt dân thật nặng khiến giao thông... nghẽn luôn. Biết nhân lực nghẽn nhưng anh vẫn để mấy đồng chí lươn lẹo và kém trí tuệ soạn luật, tạo điều kiện cho nhóm lợi ích hưởng lợi, chẳng hạn, không mấy người dám đi xe cá nhân nên các hãng xe công nghệ vớ bở. Biết thể chế nghẽn nhưng anh vẫn cho phép chính phủ ban hành Nghị định 168 theo quy trình rút gọn, ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm triệu người. Anh bảo chúng ta phải hội nhập với thế giới văn minh nhưng luật chúng ta lại không giống thế giới. Thế giới không phạt nồng độ cồn 100%. Thế giới không phạt người đi bộ băng qua đường mà không vẫy tay. Thế giới không phạt một vi phạm giao thông bằng mấy tháng lương...

Với mạch tâm tình như vậy, Bị Cạo Râu cho rằng: Có một điểm nghẽn quan trọng hơn ba điểm nghẽn anh đã điểm danh, đó là... nghẽn não. Muốn giải quyết ba điểm nghẽn kia anh phải giải quyết trước tiên việc nghẽn não của...chính anh và đồ đệ của anh. Anh nói rất hay về sự cần thiết phải thay đổi để đất nước vươn mình nhưng những gì nhân dân nhìn thấy trước mắt thì chưa phải như vậy, điển hình là Nghị định 168. Anh muốn đất nước phát triển nhanh thì phải ban hành luật cho phù hợp với sự phát triển đó, chứ không phải thứ luật cản trở phát triển, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống người dân cũng như nền kinh tế. Mong anh không nổi nóng mà chịu khó ghé mắt vào mạng xã hội, vi hành thường xuyên để lắng nghe dân chúng bày tỏ thái độ của họ, đừng ngồi trong cung điện mà nghe nịnh thần tấu. Muốn làm minh quân, hãy thật sự là minh quân, đừng nửa dơi nửa chuột [11]!

Tâm tình kiểu ấy có chạm đến “anh” nào đó chăng? Chẳng rõ và dường như chẳng mấy người tin vào hiệu ứng tích cực của việc rút ruột nói những điều tự đáy lòng. Không phải tự nhiên mà LS Đặng Huỳnh Lộc khái quát: Làm sao cho dân hoang mang, phập phồng lo lắng, sợ ra đường, không còn sức để quan tâm đến việc khác là thành công [12]. Còn Tầm Dương thì kể chuyện Thương Ưởng: Thương quân tức Thương Ưởng làm tướng nước Tần thời Chiến quốc, theo Pháp gia tức chủ trương trị nước bằng pháp luật, nhưng đó là thứ pháp luật coi nhân dân như súc vật, không nói dân chủ gì cả. Có điều nếu so với bọn chính khách miệng leo lẻo dân chủ kiểu “dân làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chính quyền sai thì xin lỗi”… ít ra cũng công khai minh bạch hơn. Sử ký của Tư Mã Thiên có một thiên viết về Thương Ưởng. Gã này trị nước cực kỳ bá đạo, xem chuyện sau đây đủ rõ. Lúc y làm tướng nước Tần, ban hành pháp lệnh buộc các nhà giàu có tài sản từ một vạn lượng vàng trở lên ở kinh đô Lạc Dương phải ra biên giới khai hoang. Lúc ấy người chống lệnh rất nhiều, người phỉ báng chê bai pháp lệnh càng lắm, tất cả đều bị chém đầu, chặt chân tịch thu gia sản vân vân, số còn lại hoảng sợ nín khe kéo nhau ra biên giới làm ruộng. Vì họ đều là nhà giàu, đủ nhân lực tài lực vật lực nên việc khai hoang tiến hành thuận lợi chứ không đánh trống bỏ dùi. Vài năm sau, ruộng đất ở biên giới được mở rộng, nông sản nườm nượp chở về Lạc Dương, nhiều người trong đó có cả những kẻ chống lệnh trước kia đều khen là pháp lệnh hay. Thương Ưởng nghe được, lại sai cắt lưỡi những người ấy, với lý do người dưới thì chỉ có phận sự tuân thủ pháp lệnh chứ không được có ý kiến gì cả bất kể là chê hay khen.

Tầm Dương kể thêm: Học giới Trung Quốc hiện nay nói sách Thương quân thư (còn gọi là Thương tử) của y nêu ra Ngự dân ngũ thuật (năm thuật trị dân) là Ngu dân, Nhược dân, Bì dân, Nhục dân và Bần dân, cụ thể như sau: Ngu dân (làm dân ngu muội) tức thống nhất tư tưởng. Nhược dân (làm dân yếu) tức chủ trương muốn nước (tức chính quyền) mạnh thì dân phải yếu, nên cái đạo trị nước cốt phải làm cho dân yếu đi, không có sức mà làm loạn. Bì dân (làm dân mệt nhọc), tức bắt dân phục dịch đủ chuyện, không rảnh mà nhìn tới chuyện khác. Nhục dân (làm dân thành hèn hạ), tức làm cho dân một là không còn tự tôn tự tin, hai là cứ kiểm soát bới móc lẫn nhau, cả ngày sống trong không khí sợ sệt. Bần dân (làm dân nghèo khổ), tức ngoài việc đáp ứng những nhu cầu sống tối thiểu thì tìm cách tước đoạt hết nguồn của cải dự trữ trong dân (chẳng hạn tăng giá hàng hóa, phát hành tiền vô tội vạ), vì người ta nghèo thì chỉ nhìn chuyện gần. Và kết luận: So với dân sinh, dân trí thời Chiến quốc bên Tàu thì trị nước kiểu này có học thiệt [13].

Chú thích

[1] https://www.facebook.com/thuan.tranvuong/videos/1266687334590748

[2] https://www.facebook.com/reel/1022954462994544

[3] https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/pfbid02aLJ8ZM8yF6m8xG47pkSbyXbCMj4Z8npKLcKL1s7m5cJg1mHe55pFG6Ku3MSXf1Dtl

[4] https://www.facebook.com/reel/1713408779205925

[5] https://www.facebook.com/chieuanhnguyen78/videos/4026699527553735

[6] https://www.facebook.com/Theanh28.Hanoi/posts/pfbid0384bZ4yTQsvBGJkY2xEYru3xMq44MXMAWcU6ZLR98CksE65gxLT5KurK1LrSParVYl

[7] https://www.facebook.com/groups/OFFB.VN/permalink/9475040629230403/

[8] https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/pfbid02r9mgNRwpA1te3xkW99PL4wpD1za394uRpRdtbqzYeog1M1wNZKdx26qPmuE8ckupl

[9] https://www.facebook.com/huuvinh.nguyen.1656/posts/pfbid02YUwg8bWiLZvRTqbv9aUhhTy35VDbNSsnp1LcdbyFknaodqmUfapKGj4kE4rTTkUUl

[10] https://www.facebook.com/dac.du.vo.2024/posts/pfbid0SggmwoaoKWXtkXmCPrrvXtRUivD7rPVcKmr9LGcA9pwbVwFhhowzTsP4c5pEvg3cl

[11] https://www.facebook.com/bi.cao.rau/posts/pfbid0QaNTmae7huAbHv8VeoQCrnnAkZYzvAKYnpseMowxdJLYbYFm5y9mKuvxezNTTHbtl

[12] https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/pfbid034o7h2siEUfR9AQtXUpJos3ivSbQBP3ZotZk9Z6nDNVKEvBmuydx2poxT4EYFcK5fl

[13] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02Lh4x925oCzDjdYnYjGxsUjCAgpMn5EyqGhuuSqyRiCEmHE7U3tyf9wYrx8MhfpjGl&id=100036818401918