Thiếu tướng Lê Minh Đảo qua đời lúc 1:45 phút chiều ngày 19 tháng Ba, 2020, tại bệnh viện Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ, thọ 87 tuổi. Ông ra đi giữa sự hiện diện đầy đủ của con cháu. Tin này được ông Võ Thành Nhân, giám đốc đài truyền hình SBTN-DC, xác nhận với VOA, theo thông tin từ bà Bích Phượng, ái nữ của tướng Lê Minh Đảo.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo được xem là một trong những tướng lĩnh chỉ huy cấp Sư đoàn có khả năng nhất của Việt Nam Cộng hoà, từng là Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Sau đó, ông trở thành vị tướng Việt Nam Cộng hoà bị cầm tù lâu nhất, với 17 năm tổng cộng từ Bắc vào Nam.
Nguyên Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa sinh ngày 5/3/1933 tại xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định.
Ông học chương trình Pháp trường Lycée Petrus Ký, Sài Gòn và đậu bằng Tú Tài 2 năm 1952.
Năm 1953, ông theo học khóa 10 Trần Bình Trọng tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt.
Tháng 6 năm 1954, ông tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Sau khi ra trường, có một thời gian ông được giữ lại làm huấn luyện viên.
Rời khỏi quân trường này, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội từ trung đội trưởng cho đến Tư lệnh sư đoàn.
Tháng 3 năm 1972, ông rời khỏi chức vụ Tỉnh trưởng tỉnh Định Tường và sau đó một tháng, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh kiêm Tư lệnh Biệt khu 31 chiến thuật.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo nổi tiếng trong trận chiến Xuân Lộc, cầm chân hơn 3 sư đoàn Cộng sản Bắc Việt khiến cho lực lượng này phải bỏ mặt trận Xuân Lộc và chuyển hướng về phía Biên Hòa.
Sau ngày 30/4, ông bị tù tại miền Bắc 12 năm. Sau khi các trại tù miền Bắc giải tán, ông được chuyển về Nam ở tù thêm 5 năm nữa.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo sang Mỹ tháng 4/1993 sau khi được trả tự do vào ngày 5/5/1992.
Tại Mỹ, ngoài việc mưu sinh, lo cho gia đình, ông còn tham gia các sinh hoạt của các cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Tháng 9 năm 2003, Thiếu tướng Lê Minh Đảo là một trong những người sáng lập tổ chức "Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa" và giữ chức Chủ tịch Trung tâm Điều hợp Trung ương.
Ngoài binh nghiệp, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác. Nhạc phẩm “Nhớ Mẹ” do ông và Đại tá Đỗ Trọng Huề đồng soạn rất được anh em cựu tù nhân Việt Nam Cộng Hoà ưa chuộng.