Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Nga là bất kỳ sự xâm lăng nào nhắm vào nước ông cũng là sự xâm lăng nhắm vào liên minh NATO. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tại London, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề nghị thiết lập một vùng cấm bay ở miền bắc Syria.
Tổng thống Erdogan đã mạnh mẽ chỉ trích Nga trong lúc ông đến thăm Brussels hôm thứ ba.
"Xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ là xâm lăng NATO."
Ông Erdogan và các đối tác của ông ở Âu châu đồng ý với nhau rằng việc Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dội bom những lực lượng chống đối ở Syria không có ích gì cho việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột này.
Cuộc nội chiến Syria đã buộc hơn 4 triệu người chạy sang tị nạn ở các nước khác. Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi tạm trú của khoảng 2 triệu người Syria, trong lúc hàng trăm ngàn người khác vượt biên sang Âu châu.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những đề nghị để giải quyết vụ khủng hoảng, bao gồm việc thiết lập một khu an toàn ở bên trong Syria dành cho người Syria tị nạn để họ có thể tiếp tục ở lại trên quê hương của mình.
"Một giải pháp là tập trung vào việc huấn luyện và trang bị. Giải pháp thứ nhì là tuyên bố một khu vực an toàn, trong đó người dân được bảo vệ trước những hành vi khủng bố; và giải pháp thứ ba là thiết lập một khu cấm bay để ngăn không cho máy bay của chính phủ Syria dội bom vào thường dân."
Ông Ibrahim Sirkeci, giáo sư của Đại học Regents ở London, cho rằng một khu vực an toàn như vậy cũng sẽ giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự kiểm soát đối với các nhóm vũ trang của người Kurk trong khu vực.
"Yêu cầu chính là thiết lập một vùng cấm bay ở miền bắc Syria. Và nhờ đó họ sẽ có thể dẹp tan phong trào của người Kurd hoặc ít ra là giữ cho tình hình được yên ổn."
Liên hiệp Âu châu đã đề nghị viện trợ 1,12 tỉ đô la để giúp Thổ Nhĩ Kỳ ứng phó với vụ khủng hoảng người tị nạn. Giáo sư Sirkeci cho rằng tiền bạc của Âu châu sẽ không ngăn được làn sóng người tị nạn.
"Những cơ hội kinh tế, cơ hội giáo dục, các quyền của những khối người thiểu số, nhân quyền nói chung, vị trí của phụ nữ trong xã hội, và tất cả những thứ đó ở Âu châu; những sự khác biệt này sẽ định đoạt vấn đề làn sóng di dân có tiếp tục hay không."
Tổng thống Erdogan cho các giới chức ở Brussels biết rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp Âu châu vẫn là một sự lựa chọn có tính chất chiến lược. Tuy nhiên, theo giáo sư James Ker-Lindsay của Trường Kinh tế London, mục tiêu gia nhập Liên hiệp Âu châu vẫn còn rất xa vời.
"Chúng tôi đã nhìn thấy những bước thụt lùi về nhân quyền và tự do truyền thông, và không người nào có đầu óc tỉnh táo lại có thể bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên hiệp Âu châu vào thời điểm này."
Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị bầu cử vào tháng tới, các nhà phân tích nói rằng nhiều tuyên bố của ông Erdogan đưa ra tại Brussels chỉ có mục đích tranh thủ sự ủng hộ của những người dân ở nước ông.