Thơ và Nhà thơ

Thơ và Nhà thơ

Tết đến, tôi định viết một bài gì liên quan đến Tết hay đến mùa xuân, kiểu Tết trong thơ hay con cọp trong văn học dân gian, v.v… Nhưng chỉ mới nghĩ đến đã thấy… ngán. Những đề tài như thế đã có hàng ngàn người viết. Chen vào đó, rất khó tìm ra điều gì mới mẻ hay hấp dẫn. Đành xin mời quý bạn đọc đọc một bài viết cũ, về thơ và nhà thơ, cách đây đã lâu, ngoài 20 năm. Sự nhẹ nhàng trong giọng văn không chừng thích hợp để đọc khi thong thả nhâm nhi những tách trà hay những ly rượu đỏ mừng xuân.

Nhân dịp này, tôi cũng xin cám ơn sự ủng hộ của quý bạn đọc đối với blog trong năm qua. Tôi trân trọng mọi ý kiến và học hỏi được nhiều từ các ý kiến đóng góp, kể cả các ý kiến phản bác, của quý bạn.

Xin chúc quý bạn một cái Tết thật ấm cúng và một năm mới thật nhiều may mắn.

Kính,

NHQ

Nhà thơ? Tôi nghĩ đến những người chuyền lửa và những kẻ trồng hoa. Lửa để giữ gìn sự sống. Hoa để làm cho cuộc sống trở thành dịu dàng và có ý nghĩa. Nhà thơ chuyền lửa là người đứng giữa đại lộ, dẫn đầu đám đông, dựng lên những con đường lửa cao ngất trời. Nhà thơ trồng hoa, khiêm tốn hơn, họ thường ngồi bên vệ đường, cặm cụi và lặng lẽ làm việc. Đường phố có xôn xao, có tấp nập, có dập dìu tài tử giai nhân, có ngựa xe như nước, áo quần như nêm thì cũng mặc. Họ cứ âm thầm vun xới từng gốc cây, tỉa tót từng chiếc lá, thúc giục cái vô tri nở nụ nhiệm mầu, thúc giục cái vô ngôn cất lên lời ca thiên thâu như Quách Thoại nói, để làm dịu bớt cái oi ả của mặt trời, để làm thắm lại cái khô cằn của mặt đất và để cho những người vốn gù lưng bẩm sinh đang lầm lũi bước đi với cái bóng chênh chếch của mình giữa lòng đường kia có thể thấy được, rất vừa tầm, sự kết tinh của hương và sắc.

Không nên đánh giá cao người này hơn người khác và cũng không nên phủ nhận người này để đề cao người kia. Trong một giàn nhạc vừa có dương cầm dịu dàng, vĩ cầm réo rắt lại vừa có cả tiếng trống inh ỏi. Trong ngôn ngữ vừa có vần bằng lại vừa có vần trắc. Thơ là lửa. Nhưng thơ cũng còn là phảng phất hương. Hai nhà thơ được coi là lớn nhất trong nền văn học cổ điển Việt Nam, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, một người chuyền lửa và một người trồng hoa. Ngay trong thơ Nguyễn Trãi, chất hoa vẫn khá nhiều. Nhà thơ viết nên những câu dữ dội:

Đánh một trận, sạch không kình ngạc

Đánh hai trận, tan tác chim muông

Nổi gió to quét sạch lá khô

Thông tổ kiến phá toang đê vỡ...

cũng lại là người làm thơ tình đầu tiên trong lịch sử văn học viết Việt Nam:

Loàn đơn ướm hỏi khách lầu hồng

Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng

Ngoài ấy dù còn áo lẻ

Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.

Ai nỡ vì áng thiên cổ hùng văn kia mà hờ hững với những bài thơ trữ tình ngan ngát hương hoa nọ? Lịch sử công bằng: cái con người rất ư thiếu lửa có cái tên Nguyễn Du vẫn cứ sống mãi, lấp lánh mãi trong lòng mọi người với một nhành hoa đẫm đầy nước mắt: Kiều.

Nghĩ cho cùng, những người trồng hoa đã giúp cho những người chuyền lửa thành công: nếu con người không nhận biết và không yêu mến cái đẹp, họ cũng chẳng thiết tha gì mà bảo vệ sự sống. Phải không?

Thế nhưng người đời vẫn luôn luôn vô tâm. Ít ai nhớ mình mắc nợ những người trồng hoa nhiều lắm. Mỗi nhịp thở bất thường, mỗi nhịp tim đập bất thường của họ, một cách trực tiếp hay gián tiếp, đều đến từ những người trồng hoa kia. Đâu phải tự nhiên mà người ta có thể thấy được trong tà áo phơ phất của người mình yêu có hai phần có gió thổi, một phần mây, trong ánh mắt người mình yêu có một dòng sông, trong làn môi ươn ướt mọng của người mình yêu có vài chút trăng, trong nét mi người yêu có cái gì vừa thanh tao vừa sắc sảo của một lá liễu.

Tôi ngờ là trước khi có nhà thơ, nhìn khói sóng trên sông chiều hiu quạnh, chưa chắc loài người đã tự dưng nhớ đến cố hương; nghĩ đến cái du du của trời đất, chưa chắc có ai đã độc sảng nhiên nhi thế hạ. Tôi không muốn cường điệu, nhưng tôi tin là, nhân loại chỉ thực sự có tâm hồn từ khi nhân loại bắt đầu xuất hiện những nhà thơ, nghĩa là những người trồng hoa.

Rừng núi thác ngôn tâm sự của mình vào tiếng suối. Mặt trời thác ngôn tâm sự của mình vào tiếng chim. Loài người thác ngôn tâm sự của mình vào những bài thơ. Cả rừng núi, cả mặt trời, cả loài người đều ít khi nhớ và nhận sự thật hiển nhiên ấy. Rừng núi vẫn luôn luôn khua động lá cây để át lời thầm thì của suối. Mặt trời vẫn luôn luôn nung thêm độ nóng để làm nghẹn lời chim ca. Và loài người vẫn luôn luôn gia tăng cường độ những tạp âm để làm chìm xuống những tiếng nói trong trẻo, nên thơ nhất của con người. Cho nên dù nhà thơ có lý sự:

...Nhưng nếu chẳng thơ Đường

Nếu không màu tranh Tống

Không huyền ảo chiêm bao

Chắc gì trong cuộc sống

Liễu đã mang thơ vào

Chắc gì mắt em như lá liễu

Đã cắt lòng anh một nét dao.

(Tế Hanh)

thì thế giới của nhà thơ vẫn mãi mãi là thế giới của những người trồng hoa bên vệ đường. Bên này hay bên kia vệ dường. Không bao giờ là giữa. Hình như không có ai viết nhiều và viết hay về số phận bên vệ đường của các nhà thơ cho bằng Trần Huyền Trân:

Bóng đơn đi giữa kinh thành

Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta.

Một bức tranh buồn: không những có sự cô đơn mà còn có cả một dáng dấp lủi thủi. Không những có một dáng dấp lủi thủi mà còn có một tâm trạng bẽ bàng và xót xa. Tất cả những gì ngọt ngào và ấm áp nhất, với nhà thơ, đều là xa lắc, họ chỉ được "nhìn", được "nghe", mà không bao giờ được sống cùng, được chia sẻ với. Có lúc Trần Huyền Trân hình dung cái khung cảnh "vệ đường" ấy như một cái quan tài chật và tối:

Đâu đó lâu đài bỏ nhện giăng

Mà đây buồng xép hẹp như săng

Giường ken chiếu nối xoay ngang dọc

Xương gối vào xương chẳng đủ nằm.

Ở đó, từng ngày từng ngày là một mòn mỏi, một phôi pha:

Sớm đón nước sông, chiều gạo chợ

Giãi lòng cho bụi gột mùi hương.

Bên cạnh sự khốn quẫn, đau đớn hơn, còn có sự bế tắc:

Lũ ta kẻ sĩ nằm trong đạo

Nhân nghĩa kê đầu nghe gió mưa

Xót cội đời nghèo hương chẳng đậu

Mỏi mòn chính khí lạc loài thơ.

Thâm Tâm, người bạn thân nhất của Trần Huyền Trân có lúc le lói hy vọng:

Rằng: đương gió bụi thì tơi tả

Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta.

Nhưng rồi hy vọng vụt tắt ngay:

Thơ ngâm dở giọng, thời chưa thuận

Tan tiệc quần anh, người nuốt giận

Chim nhạn chim hồng rét mướt bay

Vuốt cọp, chân voi còn lận đận.

Cũng bình thường thôi, ông Thâm Tâm ạ. Lẽ nào ông lại không nhớ đến Nguyễn Du, tài hoa ngàn lần hơn ông. Nguyễn Du cao ngất đại thụ giữa rừng thi ca bạt ngàn của dân tộc, Nguyễn Du kết tinh muối mặn cả đại dương mênh mông đau khổ của nhân loại, Nguyễn Du kẻ sáng thế Truyện Kiều, cái ông Nguyễn Du ấy có lúc đã từng cay đắng nghĩ:

Nhất sinh từ phú tri vô ích

Mãn giá cầm thi đồ tự ngu.

(Một đời chuyên về từ phú biết là vô ích,

Sách, đàn đầy giá chỉ tự mình làm ngu mình)

Rồi Cao Bá Quát nữa. Cao Bá Quát, người đã từng chê bọn "tao nhân mặc khách" vương giả ở kinh đô hồi ấy là... thối hinh mùi nước mắm, kẻ được người thời đánh giá thế đứng uy nghi chẳng kém gì những tên tuổi kiệt hiệt nhất đời Hán, đời Đường bên Trung Hoa, người được coi là "thánh", "thánh Quát", cũng từng có nỗi băn khoăn rất mực ngậm ngùi:

Thử thân hà sự tác thi ông?

(Tại sao có lúc mình là nhà thơ nhỉ?)

Nhà thơ, nhớ lại coi, có mấy khi không lận đận? Cái câu nói Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta đúng là một ảo tưởng khờ khạo. Người đời, từ xưa đến nay, bao giờ cũng thích phèng la chập choã hơn thơ ca. Ngay Đào Tiềm, nhà thơ kiệt xuất thời Lục Triều bên Trung Hoa mà còn khốn khó đến nỗi có lúc phải làm thơ gửi bạn để xin ăn (Nguyễn Khuyến rất thấm thía kinh nghiệm này: Cổ nhân khất thực dĩ thành thi.) Cùng thế hệ với Trần Huyền Trân và Thâm Tâm có Bích Khê, người từng tự hào:

Văn chương quán thế nào ai biết

Trong mộng mình về thưởng với tôi.

Một hôm cao hứng, Bích Khê làm bài hát nói để rao bán thơ:

Hôm xưa tớ đã bán sầu

Món hàng khá đắc, khách cầu khách mua

Còn món thi vẫn của chua

Khách nào có thích, tớ cũng đùa làm quen

Sầu đã bán thời thơ cùng bán nốt

Mối thi sầu không cột lại làm chi...

Ít lâu sau, trên báo Tiếng Dân, có người đáp lại Bích Khê:

Nực cười cho bác Bích Khê

Bán sầu bị ế trở về bán thi

Tưởng rằng bác bán hàng chi

Hàng thơ đây tớ hiếm gì mà mua...

Người ta thường kể, Lê Ngô Cát, sau khi soạn xong quyển Đại Nam quốc sử diễn ca liền dâng cho Tự Đức xem. Không biết Tự Đức khen và thưởng thế nào mà ông thuật lại với bạn bè bằng hai câu thơ:

Vua khen thằng Cát có tài

Ban cho cái khố với hai đồng tiền.

Rất Tú Xương, hai câu thơ ấy. Nghe như khục khặc cười mà thật ra là đau đến điếng cả lòng. Có được khen thì cũng vẫn là "thằng", một đứa đóng đô ở những vệ đường, ở ngoài lề mọi sự giàu sang và hạnh phúc của nhân loại. Chả trách gì Nguyễn Vỹ phẫn quá phải văng ra tiếng chửi thề:

Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ

Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ.

Chả trách gì Xuân Diệu phải rụt vai lại và cúi gầm mặt xuống:

Giữa đời, anh rán giấu tên đi

Thi sĩ, thưa cô có quý gì!

Dù vậy, mặc dù vậy, những nhà thơ chân chính vẫn cứ yêu thơ:

Tôi là gã đi đường đêm giá lạnh

Không mong gì hơn kêu gọi lòng thơ.

(Hàn Mặc Tử)

Vẫn thèm thuồng được làm thơ:

Ngả mình trên bóng nhung tơ

Tôi nguyền: sau lớn làm thơ suốt đời.

(Hồ Dzếnh)

Hàn Mặc Tử xem cái "vệ đường" của mình là một thế giới tuyệt vời:

Quê hương thơ đằm thắm biết dường nao

Đây là vườn nên hoa lá xôn xao.

Trong thế giới ấy, nhà thơ là hoàng tử:

Ta trở nên như ngọc đàng kim mã

Rất hào hoa, rất phong vận: Người Thơ.

Ở đó, nhà thơ được nghe thủ thỉ bên tai những lời tỏ tình ngọt ngào:

Em mê quá thi nhân Hàn Mặc Tử

Những cơn bệnh hiểm nghèo, những số phận tàn khốc, những sự thật phũ phàng thịt da tôi sượng sần và tê điếng / tôi đau vì rùng rợn đến vô biên tưởng như biến mất. Chỉ còn mộng:

A ha! Ta vốn người trong mộng

Hư thực như là một ý thơ.

Lưu Trọng Lư cũng có hai câu tương tự:

Thơ ta cũng giống tình nàng vậy

Mộng, mộng mà thôi, mộng hão hờ.

Đừng ai vội chê thi sĩ cứ mãi đắm đuối trong mộng. Không có mộng, cuộc đời này sẽ ra sao? Yêu trăng, hãy nhớ ơn những làn sương khói bềnh bồng chung quanh ánh trăng: chính chúng làm cho ánh trăng trở thành mơ màng, hư ảo và trở thành kho tàng chất chứa bao nhiêu là mộng ảo. Yêu tịch dương vô hạn hảo như Lý Thương Ẩn, hãy nhớ ơn những làn mây lang thang cô quạnh ở chân trời: chính chúng làm cho hoàng hôn trở thành rực rỡ, lấp lánh màu sắc.

Có người ngại nhà thơ mãi đắm đuối trong mộng sẽ quên mất cái thực trần trụi của cuộc đời. Thật chăng? Thật, với những giấc mộng con. Phạm Đình Hổ, tác giả Mai đình mộng ký viết một câu cực hay: "Chỉ có người đại giác mới đại mộng."

Mộng là khói: khói bốc lên từ mặt đất. Chỉ có sông dài và biển rộng mới tạo được những làn mây mênh mang. Mộng không phải là đứa con riêng của mặt trăng. Mộng là đứa con chung của mặt trăng và quả đất. Như là thuỷ triều. Cuộc đời ra lệnh cho nhà thơ: không được hờ hững với con người. Nghệ thuật ra lệnh cho nhà thơ: không được quyền viết dở. Mâu thuẫn? Không. Thơ là tâm huyết. Không thể có thơ hay nếu tâm hồn không tủa ra hàng triệu nhánh rễ cắm chặt vào đời. Không thể tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa đồng loại nếu mình chỉ là mình, là cái tháp lẻ loi. Lục Du, nhà thơ lớn đời Tống, trả lời cho đứa con ham làm thơ của mình:

Nhữ quả dục học thi

Công phu tại thi ngoại.

(Nếu mày quả muốn học làm thơ,

Nên nhớ: công phu ở ngoài thơ)

Một kinh nghiệm lớn. Thơ không là chữ. Chỉ mải mê trau chuốt chữ, may lắm, người ta tạo được những hòn non bộ giả núi vụng về. Sóng không là bọt nước. Ao tù không có sóng. Hồ con không có sóng. Sông nhỏ không có sóng. Phải là biển cả mới nổi sóng dạt dào. Tâm hồn có mênh mông như trời đất, thơ mới là gió nổi xôn xao. Đề tựa Mai Nham thi tập, Trần Bích San viết: “Cái khó của việc học làm thơ là trong bụng phải làu thông trăm vạn kinh sách, dưới mắt phải nhìn ngắm mấy vạn núi non tươi đẹp, trên đời phải lịch duyệt mấy trăm vạn nhân vật cổ kim, trong cõi phải từng trải mấy trăm vạn sự biến, rồi sau mới hiểu mới thấu, lường mới xa, chí mới cao, khí mới mạnh và lời thơ từ đó toát ra mới tuyệt diệu". Tất cả những nhà thơ lớn đều là những nhà nhân bản lớn. Để làm nở ra giấc mộng đẹp, nhà thơ phải trăn trở giữa hàng nghìn cơn đau rất thực. Phạm Hầu thời tiền chiến có hai câu thơ rất tươi da thắm thịt:

Nếu tôi đau, trời đẹp, nếu tôi đau

Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau.

Thật cao cả, tấm lòng của những kẻ trồng hoa. Họ chấp nhận mọi thương đau để bầu trời cao hơn, xanh hơn, biêng biếc đẹp, để cho mưa nắng không còn vô tình nữa và để cho loài người giao cảm được với nhau. Cái giá phải trả cho những người tự nguyện làm sương khói trang điểm cho trăng, làm mây giăng trang điểm cho mặt trời: sự bất hạnh. Cũng của Phạm Hầu, bốn câu thơ nao nao này:

Thuở nhỏ tôi nằm mơ thấy bướm

Giờ không mơ bướm lại mơ thơ

Đời tôi nếu rụng bao nhiêu sắc

Cũng bởi vì tôi quá mộng hờ.

Họ sẽ được gì, những nhà thơ ấy, những kẻ trồng hoa kia? Hàn Mặc Tử trả lời không chừng hay hơn ai hết:

Hương mến yêu là lộc của lời thơ.

Lần này, Hàn Mặc Tử không nằm mộng: ông nói đúng và thật. Tôi nhớ đến mấy câu thơ của Mai Đình viết cho Hàn Mặc Tử:

Còn anh, em đã gặp anh đâu

Chỉ cảm vần thơ có những câu

Âu yếm say sưa đầy mộng đẹp

Xui lòng tơ tưởng suốt đêm thâ.

Tôi đã xúc động đến ngẩn ngơ khi có người kể, Hoàng Cúc, một trong những tình nhân thoáng qua của Hàn Mặc Tử, sau đó, đã không bao giờ lấy chồng. Bà đi tu. Vừa tụng kinh vừa ngâm nga tập Nắng xuân của Hàn Mặc Tử trong đó có bài “Đây thôn Vĩ Dạ” với những câu óng ả Ở đây sương khói mờ nhân ảnh / Ai biết tình ai có mặn mà Hàn Mặc Tử đã viết để tặng riêng cho bà. Nếu lời đồn ấy đúng và nếu Hàn Mặc Tử biết được, hẳn vong linh của ông bên kia thế giới sẽ đỡ hiu hắt buồn và sẽ thấy câu thơ của mình ngày nào sao quá đỗi tiên tri:

Hương mến yêu là lộc của lời thơ.

Tôi sẽ xuyên tạc và hạ thấp Hàn Mặc Tử một cách ngu ngốc nếu chỉ giải thích khái niệm hương mến yêu trong phạm vi thuần tuý trai gái. Sự thực nội dung hương mến yêu rộng hơn nhiều. Đó là sự đồng cảm giữa con người với nhau nói chung. Đó là mối "tương liên" giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa thế kỷ này với thế kỷ khác. Đó là những giọt nước mắt con người ứa ra qua những tam bách dư niên hậu. Lại nhớ đến Nguyễn Du. Nguyễn Du viết về Đỗ Phủ:

Dị đại tương liên không sái lệ

(Khác thời đại thương nhau ứa nước mắt)

Đỗ Phủ sinh năm 712 và mất năm 770 ở Trung Hoa. Nguyễn Du sinh năm 1766 và mất năm 1820 ở Việt Nam. Tính theo năm sinh, Nguyễn Du ra đời muộn hơn Đỗ Phủ 1054 năm. Thế nhưng hai người gần nhau biết mấy. Đêm đêm hồn Nguyễn Du vẫn nằm mộng trong những vần thơ Đỗ Phủ (Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi). Bao nhiêu khoảng cách bỗng bị xoá nhoà. Cách hàng ngàn năm gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau” (Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi). Nguyễn Du còn là tác giả của hai câu thơ rất thơ này:

Tưởng rằng nói để mà chơi

Song le lại động lòng người lắm thay.

Nguyễn Hưng Quốc

(Trích từ Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam, Quê Mẹ, Paris, 1988)