Giới hạn trần nợ của Mỹ
Giới hạn trần nợ của Mỹ- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.
Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tại cả Hạ viện và Thượng viện theo dự kiến sẽ họp trong ngày hôm nay để bàn về một thỏa thuận khả dĩ có thể chấm dứt vụ đóng cửa chính phủ và nâng mức trần nợ quốc gia.
Một ngày sau các cuộc thảo luận hôm thứ Hai, cả lãnh tụ khối đa số tại Thượng Viện Harry Reid- thuộc Đảng Dân Chủ, và lãnh tụ nhóm thiểu số Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đều bày tỏ lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận.
Ông Reid nói với các nhà báo vào tối hôm qua rằng hai bên đã “đạt được tiến bộ đáng kể”, hướng tới một thỏa thuận.
Ông Reid cảnh giác rằng Quốc hội vẫn chưa đi tới mục tiêu đó, nhưng ông tiên đoán rằng ngày thứ Ba, có thể là một “ngày tươi sáng.”
Ông McConnell nói ông chia sẻ sự lạc quan của Thượng nghị sĩ Reid.
Bất cứ thỏa thuận nào cũng phải được chấp thuận bởi cả Hạ viện lẫn Thượng viện, trước khi được Tổng Thống Obama ký.
Hôm qua người ta trông thấy Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc Đảng Cộng Hòa rời khỏi văn phòng của Thượng nghị sĩ McConnell.
Tại trung tâm các cuộc thương thảo đang diễn ra là một đề nghị để tăng mức trần nợ của chính phủ liên bang cho tới năm tới, cùng với một biện pháp ngắn hạn để mở cửa chính phủ trở lại và tạo điều kiện cho các cuộc thương thuyết về ngân sách.
Nếu mức trần nợ không được nâng trước ngày thứ Năm tuần này, Hoa Kỳ sẽ không có khả năng thanh toán tất cả các hóa đơn.
Tổng Thống Obama trước đó nói rằng nếu xảy ra tình huống này, thì đây sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế toàn cầu.
Hiện chưa rõ liệu quốc hội Mỹ có hoàn tất được mọi chuyện trước hạn chót ngày thứ Năm hay không, dù cho giới lãnh đạo Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ có đạt được thỏa thuận.
Các nhân vật bảo thủ như Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đại diện Đảng Cộng Hòa tại bang Texas, có thể tăng sức ép để hoãn lại một cuộc biểu quyết cuối cùng.
Ngoài ra, Hạ viện cần phải hậu thuẫn kế hoạch này. Giới lãnh đạo Đảng Cộng Hòa đang chịu sức ép ngày càng tăng từ các nhân vật bảo thủ, là những người nhất định không chịu nhượng bộ.
Rất nhiều người tuyên bố họ sẽ không ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào không sửa đổi được luật chăm sóc y tế của Tổng Thống Barack Obama.