Thỏa thuận khí hậu Paris gây phản ứng trái chiều trong chính giới Mỹ

Tư liệu - Tòa nhà Quốc hội Mỹ đằng sau hai cột tháp của Nhà máy Điện Quốc hội ở Washington, ngày 24 tháng 6, 2013

Thỏa thuận về khí hậu toàn cầu đang phân chia hai luồng ý kiến trái chiều mang tính đảng phái ở thủ đô của Mỹ.

"Thỏa thuận này sẽ có nghĩa là ít ô nhiễm carbon hơn đe dọa tới hành tinh của chúng ta, và thêm nhiều công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế hơn được thúc đẩy bởi đầu tư vào carbon thấp," Tổng thống Barack Obama hân hoan phát biểu ngay sau khi thỏa thuận được công bố hôm thứ Bảy.

"Điều quan trọng là ngày hôm nay chúng ta có thể tin tưởng hơn rằng hành tinh này sẽ tốt hơn cho thế hệ kế tiếp. Và đó là điều tôi quan tâm," ông Obama nói thêm.

Những nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ trong Quốc hội đã ồ ạt lên Twitter ca ngợi thỏa thuận này. Thế nhưng những nghị sĩ Đảng Cộng hòa thì khác, họ đã tuyên bố phản đối ngay cả trước khi đạt được thỏa thuận này.

"Tổng thống Obama đã hứa sẽ cắt giảm mạnh sản lượng năng lượng của Mỹ," Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Barrasso phát biểu hồi tuần trước. "Người dân Mỹ chống đối gửi tiền tới nguồn quỹ khí hậu bất chính của Liên Hiệp Quốc."

Trong một thông cáo, lãnh đạo khối Đa số Thượng viện Mitch McConnell chỉ trích thoả thuận là "không thể thành tựu được" và "dựa trên một kế hoạch năng lượng nội địa mà có phần chắc là bất hợp pháp, đã bị một nửa các bang khởi kiện để đình chỉ, và đã bị Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ."

Laurent Fabius, chủ tịch hội nghị biến đổi khí hậu tàn cầu COP21, sau khi tuyên bố đạt được thỏa thuận ở Paris, ngày 12 tháng 12, 2015

Thỏa thuận này không phải là một hiệp ước chính thức và do đó không đòi hỏi Thượng viện phải phê chuẩn để đi vào hiệu lực. Bất cứ ai kế nhiệm ông Obama vào năm 2017 đều có thể đình chỉ hoặc tiếp tục để Mỹ tuân thủ những điều khoản của nó.

Những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa nói rằng hành tinh có thể được bảo vệ mà không cần điều mà họ xem là chính sách khí hậu làm mất công ăn việc làm của ông Obama.

"Chúng ta muốn có không khí sạch, chúng ta muốn có nước sạch. Chúng ta muốn có những thứ đó," doanh nhân và và người đang dẫn đầu cuộc đua tranh đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa, Donald Trump, nói trước khi đả kích những quy định về môi trường của liên bang.

Nhưng chính quyền ông Obama vẫn giữ vững lập trường.

"Rất nhiều thành viên Quốc hội đang đứng ở lề trái của lịch sử," Ngoại trưởng John Kerry nói trong chương trình This Week của đài ABC. "Và tôi không tin rằng bạn có thể được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ nếu bạn không hiểu gì về biến đổi khí hậu và bạn không cam kết theo đuổi kế hoạch kiểu này."

Về phía những ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton gọi thỏa thuận khí hậu này "là một bước tiến lịch sử hướng tới việc ứng phó một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21." Trong một dòng thông điệp đăng trên Twitter, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói thỏa thuận "hãy còn chưa đạt tới mức gần đủ xa."

"Không có gì quan trọng hơn là chúng ta để lại hành tinh này cho con cháu chúng ta trong tình trạng lành mạnh và có thể sinh sống được," ông Sanders nói thêm tại một sự kiện vận động tranh cử hôm thứ Bảy.

Thỏa thuận khí hậu chắc chắn sẽ châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt khi Quốc hội nghị họp lại trong tuần này.