Thủ đô nước Mỹ chào đón phi thuyền con thoi Discovery

  • Suzanne Presto

Phi thuyền Discovery bay ngang bầu trời thủ đô Washington, trong đó có Tượng đài Washington và tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.

Phi thuyền con thoi ngưng hoạt động Discovery của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA đã tới trạm dừng cuối cùng là Viện Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian. Thông tín viên Suzanne Presto của đài VOA tường trình về sự kiện phi thuyền Discovery tới khu vực thủ đô Washington hôm 17/4.

Phi thuyền Discovery

Phi thuyền con thoi Discovery của NASA rời Trung tâm Không gian Kennedy ngày 17/4/12 để được đưa đến trưng bày trong viện bảo tàng.

Trước khi ngừng hoạt động Discovery đã:

- Hoàn tất 39 chuyến bay.

- Trải qua 365 ngày trên không gian.

- Bay quanh quỹ đạo trái đất 5.830 lần.

- Vượt qua tổng cộng 238.539.663 kilômét.

Phi thuyền Discovery cất cánh lần cuối cùng sau rạng đông, rời khỏi Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở bang Florida, nơi nó từng lưu ngụ trong gần 3 thập niên.

Nhưng thay vì cất cánh từ giàn phóng, nó cưỡi trên lưng một phản lực cơ 747 khổng lồ đưa nó về hướng Bắc.

Phi thuyền Discovery đã bay thấp qua một vài địa điểm nổi tiếng nhất của thủ đô Washington, trong đó có Tượng đài Washington và tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong số các khán giả háo hức xem màn trình diễn ấy có người phụ nữ này:

Bà cho biết: “Thật tuyệt. Tôi có cảm giác như trở lại lúc 10 tuổi. Tuyệt quá!”

Chuyến lượn vòng của phi thuyền Discovery trên bầu trời Washington đã quảng bá cho đích đến mới của nó: Viện bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian.

Phi thuyền Discovery đáp cánh lần chót tại phi trường quốc tế Dulles, ngay bên ngoài thủ đô Washington.

Các giới chức của NASA và viện bảo tàng Smithsonian đã ra đó chào đón phi thuyền.

Phó Giám đốc NASA, ông Lori Garver, nói phi thuyền Discovery có một di sản đáng kể.

Ông Garver cho biết: “Nó đã thực hiện 39 phi vụ, trải qua hơn 365 ngày trong không gian, quay chung quanh trái đất 5.830 lần và du hành trong không gian hơn 238 triệu cây số.”

Discovery là phi thuyền đầu tiên trong đội phi thuyền con thoi ngưng hoạt động được sung vào bộ sưu tập của viện bảo tàng.

Ngày 19/4, tàu Discovery sẽ được dời tới địa điểm lưu ngụ mới là trung tâm Steven F. Udvar-Hazy thuộc Viện bảo tàng Hàng không và Không gian, gần phi trường.

Bà Valerie Neal là người phụ trách lịch sử không gian. Bà mang đôi bông tai hình phi thuyền con thoi và một chiếc khăn choàng cổ có in hình phi thuyền.

Bà Neal nói: “Đây là một trong những ngày đẹp nhất trong đời tôi và tôi nghĩ cũng là một trong những ngày đẹp nhất đối với viện bảo tàng của chúng tôi, là đỉnh điểm của viễn kiến mà chúng ta đã có từ lâu cùng nhiều năm miệt mài lên kế hoạch cho ngày hôm nay. Và tất cả mọi thứ đều diễn ra hoàn hảo.”

Phi thuyền Discovery ngưng hoạt động mang lại vui buồn lẫn lộn cho những ai từng làm việc trong chương trình của phi thuyền con thoi này, trong số này có ông John Schindler.

Ông Schindler nói: “Nhiệm vụ của Discovery đã hoàn tất nếu xét về lĩnh vực đi lại trong không gian. Nhưng giờ đây nó có một nhiệm vụ mới. Đó là giáo dục và khích lệ các thế hệ khoa học gia và kỹ sư trong tương lai.”

Viện bảo tàng Hàng không và Không gian Smithsonian:

- Lưu trữ bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới máy bay và phi thuyền không gian

- Có 2 cơ sở: Viện bảo tàng tại thủ đô Washington, và Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy tại vùng ngoại ô thuộc Virginia, bao gồm một khu gồm các cơ sở lớn nhất thế giới về lịch sử hàng không và không gian.

- Khu nhà chính để máy bay và phi thuyền của Trung tâm Udvar-Hazy cao 10 tầng và dài khỏang 275 mét.

- Hơn 1,1 triệu người thăm Trung tâm Udvar-Hazy trong năm 2009.

- Bộ sưu tập cổ nhất vào năm 1876 gồm có những con diều của Ủy hội Hoàng gia Trung Quốc

Sau gần 3 thập niên với 135 phi vụ trong không gian, năm ngoái, NASA cho đội phi thuyền con thoi ngưng hoạt động để tập trung vào việc xây dựng các thế hệ phi thuyền kế tiếp có thể du hành vượt qua quỹ đạo thấp của trái đất.

Hiện NASA đầu tư vào các cơ sở thương mại đang phát triển các phi thuyền chuyên chở hàng và phi đội tới Trạm Không gian Quốc tế.

Ông John Schindler làm cho chương trình kiểu này tại công ty Boeing.

Ông Schindler cho biết: “Những người tôi thấy trong chương trình đó rất phấn khởi và nhiệt tình. Họ có niềm say mê dành cho công cuộc bay vào không gian của con người, cũng y như niềm say mê của chúng tôi dành cho chương trình phi thuyền con thoi vậy.”

Đến cuối năm nay, các phi thuyền của NASA sẽ gia nhập vào những bộ sưu tập của viện bảo tàng ở thủ đô Washington DC, Florida, New York, và California, để tiếp tục gây kinh ngạc và đem lại nguồn hứng khởi cho mọi người.

http://www.youtube.com/embed/XKVHtMnyUSM