Văn học: Thử phác họa một vài chân dung tác giả gốc Việt

  • Nguyễn Mạnh Trinh
Kỳ 1

Thời gian gần đây, đã có nhiều tác giả gốc Việt hòa nhập được vào dòng chính của văn học những quốc gia mà họ cư ngụ. Ở Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc, tên tuổi của nhiều tác giả gốc Việt Nam được nhắc nhở tới và xếp vào nhánh văn học di dân. Nhiều tác phẩm của họ được giới phê bình và nhận định văn học bản xứ chú ý. Hơn thế nữa, họ còn đoạt nhiều giải thưởng văn học để thành những tác giả nổi tiếng. Với văn học của quốc gia bản xứ, họ được kể là những thành viên. Nhưng, với văn học Việt Nam ở hải ngoại, thì sao? Chúng ta có thể kể những tác giả này trong sinh hoạt văn học được không? Dù rằng họ không viết và sáng tác bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng nguồn gốc dân tộc đã ảnh hưởng không ít vào nhận thức của họ để biểu hiện trong tác phẩm. Có sự ví von, họ viết bằng trái tim Việt Nam.

Trong ý nghĩ của cá nhân riêng tôi, có lẽ đi tìm căn cước của những tác giả này là phương cách tốt nhất để trả lời câu hỏi trên. Nhà văn gốc Việt Nam? Là ai? Thế hệ nào? Nguồn gốc? Sinh sống? Gia đình? Học vấn? Tâm tư? Những thắc mắc tuy có tính tò mò nhưng cũng khá cần thiết để có thể phác họa những chân dung văn chương có tính xác thực và biểu trưng được những nếp nghĩ nếp sống khá đặc biệt không những với người Việt Nam mà còn với người bản xứ nữa.

Nhìn vào sinh hoạt văn chương ở Hoa Kỳ, như một tiêu điểm, với các tác giả và tác phẩm viết bằng Anh ngữ, cũng có nhiều ghi nhận từ những hoạt động mới đầu thưa thớt nhưng dần dần đã có nhiều đóng góp. Ở thế hệ thứ nhất, chỉ có vài góp mặt tượng trưng. Một vài cuốn sách được in, có cuốn được dư luận báo chí và phê bình bản xứ để ý tới vì chính trị hơn là tự thân giá trị tác phẩm. Một ví dụ, như tác phẩm của Lệ Lý Hayslip...

Nhưng ở thế hệ một rưỡi hoặc thứ hai, họ đã có nhiều đóng góp. Lớn lên và chịu ảnh hưởng của đời sống xứ người nhưng họ đã viết với tâm thức Việt Nam. Dù không mang nặng trên vai những dư ảnh của quá khứ nhưng họ vẫn là sự nối tiếp của thế hệ thứ nhất với nỗ lực gây dựng lại cuộc sống mới ở xứ sở mà họ trưởng thành ở xứ người.
Có người cho rằng những tác phẩm viết bằng ngoại ngữ như thế không thể kể ở trong dòng văn học Việt Nam hải ngoại được. Lại có người cho rằng văn học Việt nam ở hải ngoại bị lão hóa và dần dần mất đi cả người đọc lẫn người viết khi thế hệ thứ nhất tàn lụi đi.Những người Việt viết văn bằng ngoại ngữ sẽ kế thừa dòng văn học đã được xây dựng và phát triển từ năm 1975.

Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, người chủ biên tạp chí The Vietnam Review khi giới thiệu về một tác phẩm tuyển chọn của những người Việt có tác phẩm viết bằng ngoại ngữ đã phát biểu đại ý: “Văn học của người Mỹ gốc Việt có tuổi đời rất trẻ trung. Nhưng từ khi có những sưu tập tác phẩm để phát hiện ra những tài năng văn học, chúng ta đã phải ngạc nhiên và rất bằng lòng với những tác phẩm chứa đựng những ý tưởng sâu sắc, những góc nhìn quan sát sinh động, có chút hóm hỉnh nhưng cũng có những bi đát đau buồn. Thực tại hiện hữu hay huyền ảo mơ mộng, người đọc tự tìm kiếm trong những sáng tác ấy những kinh nghiệm để đời của những người đi tìm những chân trời sống tuy mới bắt đầu gần ba chục năm nhưng chứa đựng biết bao nhiêu là những biến cố kỳ lạ tưởng như không thể nào có trên trái đất này…”
”
Đọc những tác phẩm viết bằng ngoại ngữ của các tác giả Việt Nam, từ tiểu thuyết đến thơ ca, từ tiểu luận văn chương đến những ký sự có nét sinh động của đời sống, tất cả bàng bạc bản sắc của dân tộc. Dù là thế hệ sinh trưởng ở Việt Nam và lớn lên ở xứ người hay sinh trưởng và trưởng thành ở nơi định cư, dù cách biểu tỏ hoặc tình cảm có khác nhưng người đọc vẫn dễ dàng thấy được căn cước của người cầm bút. Căn cước của một người Việt mà chiến tranh đã qua rồi nhiều năm nhưng vẫn để lại những hậu quả hay những dấu hằn thời thế còn tươi rói.

Lấy một ví dụ, như trong tuyển tập Watermark Vietnamese Prose, với sự góp mặt của rất nhiều tác giả coi như một phần tiêu biểu cho văn chương của người Việt ở hải ngoại. Danh sách ấy gồm: Huỳnh Sanh Thông, Christian Langworthy, Dao Strom, Linh Đinh, Thuong Vuong Riddick, Monique T.D. Truong, Truong Tran, Mộng Lan, Quang Bao, Barbara Tran, Diep Khac Tran, Trac Vu, Minh Duc Nguyen, Nguyen ba Trac, le thi diem thuy, Maura Donohue, Andrew Lam, Trinh T. Minh Ha, Lan Cao, Bao Long Chu, Lan Duong, Nguyen Qui Đuc, Thanhha Lai. Đây là một công trình có chất văn học sử ghi chép lại sinh hoạt có nhiều chất khai phá và ở những thể loại trong lãnh địa đặc thù phong phú của nhưng bước chân tìm hiểu. Đọc những tác phẩm, là những khởi hành đi vào phiêu du trong thơ và văn của tuổi thơ dữ dội trong chiến tranh, của tâm tư ngổn ngang dằn vặt của buổi xây dựng đời sống lại ban đầu, của ngôn ngữ vang vọng từ phận đời trôi dạt, hay của khoảng cách không gian vời vợi đến nơi cố thổ, hoặc nỗi chết quen thuộc thuở nào từ những biến cố đổi thay. Có phản ánh cuộc sống, sinh động,. Có chuyên chở, nỗi niềm man mác. Ghi chép lại, bằng ngoại ngữ, những tâm cảm Việt Nam. Những cố gắng để đi vào văn chương dòng chính. Thế hệ tiếp theo đã có nhiều thành quả hội nhập. Nhưng trong tâm cảm vẫn là tâm cảm Việt nam, bàn bạc và tiềm ẩn.

Gia đình đã ảnh hưởng như thế nào đối với những người viết gốc Việt Nam? Có tác giả đã mang cuộc đời của người thân trong gia đình mình vào tác phẩm. Như Phạm Xuân Quang đã viết “A Sense of Duty”, một tác phẩm đầu tay của một người tị nạn đã trở thành một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từ những tác động ký ức liên quan đến số phận, niềm hy vọng cũng như những hậu quả phát khởi từ biến cố trong cuộc chiến Việt Nam. Là một người trẻ Việt thuộc thế hệ thứ hai trưởng thành ở Hoa Kỳ, anh biểu lộ tấm lòng tri ân với đất nước đả bảo bọc anh và đã tự mình tình nguyện gia nhập quân đội và trở thành một phi công trực thăng nối nghiệp người cha là một phi công khu trục của Không Quân Việt Nam. Cuộc trùng phùng giữa hai cha con sau một thời gian dài chia cách cũng là một yếu tố để anh có quyết định trên.

Năm 1964, người cha, phi công Phạm Văn Hòa của phi đoàn khu trục 514 bị phòng không Việt Cộng bắn trong khi đang yểm trợ tiếp cận cho bộ binh dưới đất. Được trực thăng Hoa Kỳ cứu cấp sau khi bị đáp ép buộc, ông trở về nhà đúng vào ngày sinh của đứa con trai ông, tên Quang. Sau đó ông lại tiếp tục những phi vụ oanh kích, thi hành bổn phận của một quân nhân trong thời binh lửa. Thâm tâm ông không muốn làm hành động của một anh hùng, nhưng ông hiểu nhiệm vụ của mình để hoàn tất những công việc ấy.

Trước khi Saigòn bị quân cộng sản xâm chiếm, trung tá Hòa chắc chắn rằng vợ con mình đã được di tản. Ông gửi vợ và mấy đứa con lên một chiếc C130 di tản đến Hoa Kỳ. Riêng ông ta không được may mắn. Ông bị ở lại và bị tù ngục hơn mười năm. Những trại khổ hình mà ông đã trải qua như Long Giao, Suối Máu, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, toàn những nơi nổi tiếng là rừng thiêng nước độc. Sau khi gần được phóng thích, Cộng Sản chuyển ông về trại Z0D ở Rừng Lá. Năm 1987, ông được thả về và năm năm sau ông được sang Hoa Kỳ gặp gỡ lại vợ con sau một thời gian sống nghẹt thở vì sự canh chừng của hệ thống công an khắc nghiệt và đa nghi.

Người con viết hồi ký về cuộc đời của cha mình và cũng là dịp để nhìn lại một cuộc chiến đã chấm dứt từ ba mươi năm nay. Qua bóng dáng của người cha, một thời lửa khói được kể lại. Và, tiếp nối, là người con của thế hệ tiếp theo. Không gian bao la nhưng vẫn nằm trong bàn tay người phi công. Tác phẩm, là hồi ký của một người con nhưng đa phần là hình bóng của người cha và những người đồng đội cũ. Cuộc chiến dù đã ba mươi năm qua, nhưng vẫn còn dư âm, tưởng như mới ngày nào

Cuốn sách mới xuất bản mà đã được sự chú ý rất nhiều. Nhật báo Los Angeles Times và Orange County Register đều có bài điểm sách. Tuần báo Publishers Weekly và tạp chí Orange Coast Magazine cũng giới thiệu đầy cảm tình và trang trọng. Nhiều tác giả nổi tiếng có nhiều hiểu biết về Việt Nam như Richard Pyle, như Larry Engelmann, như Robert Olen Butler, như James R. Reckner, cũng có những nhận xét xác đáng về tầm vóc cũng như giá trị của tác phẩm. Và, với người Việt Nam, những chính khách như Bùi Diễm, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Đức Nhã, cũng đã cho nhiều ý kiến đồng tình chia sẻ.(Còn tiếp một kỳ).