Thủ Thiêm: Từ ‘kẻ xấu nhẹ dạ’ trở thành ‘bà con’

Vụ Thủ Thiêm: Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.

Cuối tuần trước, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên của chính quyền TP.HCM, hoan hỉ thông báo đã xác định được ranh của Quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm để bồi thường cho “bà con” mất nhà, đất vì chính quyền thành phố này đã nhân dịp thực hiện Quy hoạch Khu Đô thị Thủ Thiêm, cưỡng chế, giải tỏa… thêm 4,3 héc ta.

Trong cuộc họp báo ngày 1 tháng 11, ông Hoan còn nói thêm, ngoài việc bồi thường cho “bà con” bị mất nhà, đất vì chính quyền TP.HCM tùy tiện cưỡng chế, giải tỏa thêm 4,3 héc ta ngoài quy hoạch, chính quyền TP.HCM sẽ hỗ trợ thêm cho “bà con” có khiếu nại về mức bồi thường khi nhà, đất của họ nằm bên trong ranh quy hoạch, cũng như cho những “bà con” đang sống vật vờ trong các khu tái định cư (1).

Nói cách khác, sau hai thập niên bị cưỡng đoạt nhà, đất, 14.000 gia đình với chừng 60.000 người cư trú ở khu vực Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đã được chính quyền TP.HCM chính thức nhìn là… “bà con”. Trước đó, khi khiếu nại, kêu cứu vì các quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng bị xâm hại, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, thậm chí một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam chẳng những không nghe mà còn xác định, nếu dân chúng Thủ Thiêm – những người khiếu nại, tố cáo ròng rã gần hai thập niên - không phải là “kẻ xấu” thì cũng là những phần tử “nhẹ dạ” bị “kẻ xấu kích động”, vu cáo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

Trong một báo cáo gửi lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ cách nay hai năm, chính quyền TP.HCM xác định, việc giải quyết khiếu nại – tố cáo của dân chúng thành phố này trong giai đoạn từ 2014 – 2016, bao gồm cả khiếu nại – tố cáo về thực hiện Quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là “không có cơ sở”. Khiếu nại – tố cáo trở thành phức tạp, kéo dài, chủ yếu là vì dân chúng “thiếu trình độ, thiếu hiểu biết” và chính quyền TP.HCM cao giọng cảnh báo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải chú ý đến hiện tượng “lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm, lăng mạ cán bộ” (2).

Chẳng riêng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, trên một số diễn đàn điện tử, mạng xã hội, cũng không thiếu những cá nhân tận tình bênh vực chính quyền TP.HCM. Chẳng hạn theo một facebooker có tên là Huyền Nguyễn, nếu không có Quy hoạch Khu đô thị mới, Thủ Thiêm mãi mãi chỉ là vũng sình, nơi trú thân của những kẻ lam lũ, bẩn thỉu. Cho nên theo Huyền Nguyễn, cần phải nhìn tổng thể, phải nhận ra “sự phát triển thần kỳ của TP.HCM để học tập”. Hồi giữa năm nay, những tờ báo rụt rè lên tiếng bênh vực dân chúng Thủ Thiêm bị Huyền Nguyễn cáo buộc là “ma cô”, chăn dắt dư luận, tạo ra tác hại tới nhân tâm, thành ra Tòa soạn của những tờ báo ấy cần được “thay máu”. Riêng dân chúng Việt Nam – những người không cư trú ở TP.HCM thì được Huyền Nguyễn khuyên là “đừng giả bộ khóc mướn để kích động thêm đám dân gian, tham” (3).

Cũng với tâm thế và tư thế đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, đại biểu cho dân chúng TP.HCM tại Quốc hội Việt Nam cả khóa 13 lẫn khóa 14, từng thản nhiên khẳng định hệ thống công quyền ở TP.HCM không sai khi tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất để thực hiện Quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, vỗ về, khuyên bảo dân chúng Thủ Thiêm phải biết… hy sinh (4). Cho đến vừa rồi, những tấm ảnh mà hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam chụp được – bày ra cho thấy, khi tiếp xúc với dân chúng Thủ Thiêm hôm 9 tháng 5, lúc đầu, bà Tâm vẫn còn mỉm cười, không thèm che giấu sự thương hại đám đông đang bu quanh mình mếu máo kêu oan. Chỉ tới khi dân chúng Thủ Thiêm bật dậy, giận dữ đòi bà từ chức, bà Tâm mới chuyển qua gọi họ là “cô bác”, mới “day dứt”, “xót xa”…

***

Tại Việt Nam không chỉ có dân Thủ Thiêm gánh oan khiên. Oan khiên không chỉ gói gọn trong phạm vi cưỡng chế - thu hồi đất và tất nhiên, “dân ngu”, “kẻ xấu” không chỉ dừng ở mức chục ngàn. Nếu nghiên cứu kỹ trường hợp Thủ Thiêm may ra có thể rút tỉa được kinh nghiệm, khái quát được quy luật làm cách nào, “dân ngu”, “kẻ xấu” được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhìn là… “cô bác”, “bà con”.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/da-xac-dinh-duoc-ranh-quy-hoach-khu-43ha-thu-thiem-20181101123248544.htm

(2) https://infonet.vn/tphcm-co-nguoi-loi-dung-khieu-nai-to-cao-de-gay-roi-an-ninh-lang-ma-can-bo-post209808.info

(3) https://www.facebook.com/huyen.kate.50/posts/236336006919178

(4) https://vov.vn/xa-hoi/ai-phai-chiu-trach-nhiem-ve-quy-hoach-thu-thiem-760857.vov