Cả hệ thống ‘động rồ’

Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)

Khi một cá nhân rơi vào trạng thái mất lý trí, không những không kiểm soát được hành vi, lời nói mà hành vi, lời nói còn gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng cho mọi thứ quanh kẻ ấy, bất kể đó là người hoặc vật, thân hay sơ, thiên hạ gọi đó là… “động rồ”.

Không may cho người Việt là “động rồ” giờ trở thành trạng thái chung của cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam!

***

Giữa lúc công chúng đang sôi sùng sục vì Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua Nghị quyết xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm, chính quyền TP.HCM gửi cho Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đề nghị xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” cũng tại Thủ Thiêm.

Đề nghị vừa kể không cho biết tổng chi phí xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” là bao nhiêu nhưng mô tả về quy mô của công trình này cho phép ước đoán con số ấy phải tính bằng vài chục ngàn tỉ đồng: Diện tích “Quảng trường Hồ Chí Minh” lên tới 27 héc ta. Trong đó có Quảng trường, Cột cờ tổ quốc, Công viên lưu niệm 63 tỉnh – thành phố, Nhà Trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nhà sàn và ao cá Bác Hồ”.

Theo báo chí Việt Nam, sở dĩ chính quyền TP.HCM muốn thực hiện công trình “Quảng trường Hồ Chí Minh” vì họ cho rằng, phải như thế thì mới “xứng với tầm vóc một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của toàn quốc để phục vụ nhu cầu của nhân dân”. “Quảng trường Hồ Chí Minh” sẽ “tạo ra một diện mạo mới cho thành phố này trong thế kỷ 21” đó là “một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại”, một “biểu tượng trường tồn, đồng hành với sự phát triển của thành phố”. “Quảng trường Hồ Chí Minh” còn là công trình “bày tỏ tình cảm của Đảng bộ, nhân dân thành phố và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu. Qua đó sẽ giáo dục nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước” (1).

Trong bối cảnh như hiện nay, chỉ có “động rồ” mới gạt bỏ cảm xúc, ý kiến của công chúng về kế hoạch xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm để gửi thêm đề nghị xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” cũng tại Thủ Thiêm.

Về mặt chính trị - lĩnh vực đòi hỏi phải động não để soạn thảo, thực hiện những kế hoạch, giải pháp nhằm có thể có được sự ủng hộ của đám đông ở mức cao nhất – chỉ có “động rồ mới viện dẫn những lý do đã kể khi thuyết minh cho dự tính xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh”.

Tuần rồi, cùng lúc với sự kiện chính quyền TP.HCM gửi đề nghị xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” là sự kiện bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, khuyến cáo các viên chức y tế ở TP.HCM, hạn chế số lượng bệnh nhi nhập viện để tránh “lây nhiễm chéo” (2).

Dịch sởi, dịch tay – chân – miệng đã bùng phát và đang lan rộng cả ở TP.HCM lẫn nhiều tỉnh miền Nam. Khi đến thị sát hoạt động phòng – chống dịch tại TP.HCM, bà Tiến đưa ra khuyến cáo vừa kể vì bệnh viện quá tải, thiếu cả giường bệnh lẫn không gian trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhi, thành ra nhiều đứa trẻ và phụ huynh chen chúc, vạ vật ở các gầm giường, hành lang, cầu thang bệnh viện đã nhiễm dich này chắc chắn sẽ lây – mắc thêm dịch khác, khiến dịch bệnh trở thành trầm trọng hơn.

Dẫu những “tầm vóc”, “diện mạo”, “biểu tượng” của “trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của toàn quốc để phục vụ nhu cầu của nhân dân” được thực tế hài hóa nhưng chắc chắn công chúng không thể cười. Dẫu “nham hiểm đến mức tinh vi”, các “thế lực thù địch, phản động” cũng không thể có cơ hội nào kích động công chúng căm phẫn hơn chuyện các công trình phúc lợi công công vừa thiếu, vừa tệ vẫn thản nhiên chi vài chục ngàn tỉ để “bày tỏ tình cảm của Đảng bộ, nhân dân thành phố và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu” bằng “Quảng trường Hồ Chí Minh”.

Có giải pháp nào vô hiệu hóa nỗ lực “giáo dục nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước” tốt hơn “Quảng trường Hồ Chí Minh”? Chắc là không. “Quảng trường Hồ Chí Minh” là một trong những giải pháp hiệu quả nhất khi dùng để chứng minh hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đích thị là “thế lực thù địch, phản động”.

***

Chẳng riêng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở TP.HCM. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các địa phương khác cũng đang “động rồ”. Tuần rồi, giữa lúc cường độ của trận bão dư luận vì Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua Nghị quyết xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm càng lúc càng cao, Ban Cán sự Đảng của UBND thành phố Hà Nội gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị xây dựng thêm hai tượng đài ở thành phố này (một là “Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” và một là “Tượng đài Độc lập”) (3).

Giống như đề nghị xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh”, đề nghị xây dựng thêm hai tượng đài không đề cập đến chi phí. Song về mặt chính trị, đề nghị ấy cũng là “động rồ”. Nếu trí tuệ, nhận thức chính trị ở mức bình thường, khi dân chúng đang sôi lên vì giận, đang đòi phải trả lời tại sao cách nay tám năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành phố Hà Nội gật đầu với việc bỏ ra 2.400 tỉ để xây dựng Bảo tàng Hà Nội như một trong những công trình trọng điểm nhằm “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, giờ công trình này được ví von là “Ngôi nhà hoang lớn nhất Thủ đô” (4) thì chẳng ai dại gì xuất thêm ngân sách để đề cao “Độc lập”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” bằng tượng đài.

Tương tự, cũng tuần trước, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Quảng Bình hoan hỉ thông báo vừa thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động cũng như phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện “Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh” (5). Năm ngoái, kế hoạch lấy bảy héc ta công thổ ở trung tâm thành phố Đồng Hới, giao cho Tập đoàn Sơn Hải để đổi lấy “Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh” trị giá 158 tỉ đồng từng bị công chúng chỉ trích kịch liệt vừa vì việc đổi chác có nhiều khuất tất (tự chọn, tự chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu, không đấu giá, không công bố cơ sở định giá công thổ), vừa vì việc “tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng “Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Quảng Bình là không ổn bởi năm nào tỉnh này cũng xin cứu đói cho dân chúng trong tỉnh. Năm nay, theo tiết lộ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Quảng Bình thì dự án vừa kể đã phình ra, to hơn nhiều so với năm ngoái. Song hành với “Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh” sẽ là “Dự án Quảng trường trung tâm”.

Người ta chỉ biết, hồi giữa năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Quảng Bình lại vừa phân bổ xong 1.368 tấn gạo cứu đói cho nhân dân trong tỉnh (6) chứ không biết sau khi có thêm đứa em song sinh “Dự án Quảng trường trung tâm”, cuối cùng “Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh” sẽ ngốn thêm bao nhiêu tiền? Tiền đó lấy từ công khố hay lại đem công thổ ra đổi?

Chú thích

(1) https://infonet.vn/tphcm-de-nghi-xay-nha-san-va-ao-ca-bac-ho-o-quang-truong-tai-thu-thiem-post278695.info

(2) https://video.vnexpress.net/tin-tuc/600s-thoi-su/bo-truong-bo-y-te-khong-nen-nhap-vien-dong-vi-de-lay-nhiem-cheo-3823291.html

(3) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/de-xuat-xay-tuong-dai-doc-lap-va-tuong-dai-chien-thang-b52-tai-ha-noi-482518.html

(4) https://infonet.vn/cong-trinh-nghin-ty-bi-lang-quen-giua-thu-do-ha-noi-post278603.info

(5) https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/thuc-hien-du-an-tuong-dai-chu-tich-chi-minh-voi-nhan-dan-quang-binh.htm

(6) https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/phan-bo-hon-1.368-tan-gao-cuu-doi-cho-cac-huyen-thi-xa-thanh-pho-trong-thoi-gian-giap-hat-nam.htm