Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez hiện đang thăm Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về thương mại, kinh tế, năng lượng sạch và tái tạo, chuỗi cung ứng, và chip, bán dẫn, hai trang tin Tuổi Trẻ và Thế Giới Tiếp Thị tường thuật hôm 24/1.
Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên của ông Fernandez, quan chức chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến công du của ông tới 3 nước châu Á từ ngày 22/1 đến ngày 1/2. Hai nơi tiếp theo ông sẽ tới thăm là Philippines và Hàn Quốc.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, gặp gỡ các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) hôm 24/1, vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã chia sẻ rằng trong quan hệ kinh tế với Việt Nam hiện nay, Mỹ rất quan tâm đến 3 lĩnh vực là chip-bán dẫn, năng lượng và đất hiếm, theo tin trên Tuổi Trẻ và Thế Giới Tiếp Thị.
Thế Giới Tiếp Thị trích dẫn lời ông nói tại cuộc gặp rằng “Trong lĩnh vực chip bán dẫn, các công đoạn cụ thể để tăng cường đầu tư gồm lắp ráp, kiểm định và đóng gói”.
Như VOA đã đưa tin, thúc đẩy hợp tác Mỹ-Việt về ngành chip, hàng bán dẫn cũng đã là vấn đề được nhấn mạnh trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tuổi Trẻ cho biết trong buổi nói chuyện với các thành viên AmCham, Thứ trưởng Ngoại giao Fernandez lưu ý rằng Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ thể hiện cam kết của Mỹ đầu tư hơn 50 tỉ đô la hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất chip.
Là một phần của cam kết đó, Mỹ sẽ chi 500 triệu đô la để ổn định và mở rộng sản xuất hàng bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng bán dẫn, đồng thời phát triển và triển khai công nghệ thông tin và truyền thông an toàn và đáng tin cậy, vẫn lời ông Fernandex, được Tuổi Trẻ trích dẫn.
Liên quan đến chương trình nêu trên, Việt Nam “với lợi thế trong kỹ năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói vi mạch, là đối tác quan trọng trong sáng kiến này”, vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ phát biểu.
Ông nói thêm rằng sự hợp tác giữa hai bên có tác dụng “đa dạng hóa và củng cố hệ sinh thái vi mạch toàn cầu”, đồng thời “giải quyết thách thức phát triển nguồn nhân lực ở cả hai quốc gia”.
Thứ trưởng Fernandez cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm, song song với việc duy trì sự bền vững về môi trường, Tuổi Trẻ và Thế Giới Tiếp Thị tường thuật.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, theo Tuổi Trẻ, ông Fernandez cho hay rằng Mỹ, thông qua Sáng kiến Nhu cầu Năng lượng Sạch (CEDI) của Bộ Năng lượng nước này, đã kết nối các quốc gia và công ty cam kết sử dụng năng lượng tái tạo với nhau.
Đến nay, Liên minh Người mua Năng lượng Sạch đã hợp tác với 15 công ty tại Việt Nam, đây là tín hiệu cho khả năng đầu tư lên đến 8 tỉ đô la vào hạ tầng năng lượng sạch, vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ nói, được Tuổi Trẻ trích dẫn.
Thứ trưởng Fernandez cũng nêu bật mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng thống Biden và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất. Ông khẳng định rằng sự tăng trưởng giao thương giữa hai nước là minh chứng về quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai bên.
Bộ Công Thương Việt Nam cho biết hồi đầu tháng 1/2024 rằng trong năm 2023, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt gần 97 tỷ đô la, chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ ước đạt 83 tỷ đô la, cho dù tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ ước đạt gần 14 tỷ đô la trong năm 2023, giảm gần 5% so với năm trước, vẫn theo Bộ Công Thương.
Bản tin của Thế Giới Tiếp Thị hôm 24/1 cho hay hiện tại các công ty Mỹ có hơn 1.200 dự án được chính phủ Việt Nam phê duyệt để thực hiện với tổng giá trị đầu tư hơn 11 tỷ đô la và AmCham tin rằng con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên.