Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày hôm nay gặp tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc. Sự kiện này được chính quyền Obama mô tả là một nỗ lực của cả hai nước để xây dựng một liên minh chiến lược mới. Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình rằng ông Modi đã được các Ấn Kiều tại New York nhiệt liệt chào mừng.
Tổng thống Obama sẽ mở dạ tiệc tối ngày hôm nay để chào mừng Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến viếng thăm chính thức nước Mỹ kể từ khi đảng dân tộc Hindu Bharatiya Janata Party (BJP) của ông thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 năm nay. Tiếp theo dạ tiệc này là cuộc thảo luận song phương vào ngày mai mà phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest gọi là một nỗ lực làm sâu rộng đối tác chiến lược Hoa Kỳ/Ấn Độ.
“Đây là một đối tác được Ấn Độ và Tòa Bạch Ốc đánh giá cao. Chúng tôi sẽ thảo luận về các phương thức tăng gia tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh hợp tác an ninh và hợp tác về những hoạt động mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai nước và thế giới. Chúng tôi sẽ chú trọng về các vấn đề vùng, gồm có những diễn biến hiện nay tại Afghanistan, Syria và Iraq nơi Ấn Độ và Hoa Kỳ có thể làm việc với nhau cùng với các đối tác khác để đạt được một kết quả tích cực.
Chính Tổng thống cũng mong muốn làm việc với Thủ tướng để thực hiện lời hứa về một đối tác chiến lược Hoa Kỳ/Ấn Độ có lợi cho dân chúng cả hai nước.”
Chính quyền Obama gọi mối liên hệ song phương “là một đối tác đặc điểm của thế kỷ 21.” Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ về các cải cách kinh tế của ông Modi và sẽ giúp trong việc chống khủng bố và an ninh năng lượng.
Thủ tướng Ấn Độ cũng sẽ gặp lãnh đạo các công ty như Google, IBM, General Electric, Goldman Sachs và Boeing trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Oâng Rafiq Dossani, nhà phân tích về Ấn Độ của RAND Corporation nói thông điệp của Thủ tướng Modi đối với các công ty thật đơn giản: Ấn Độ mở ngỏ cho việc kinh doanh:
“…Quan liêu hầu như chi phối việc làm ăn buôn bán với Ấn Độ là một chuyện đã qua. Hiện nay có những điều ông hứa hẹn nhưng chưa đưa ra, nhưng ý định của ông là đưa ra một thông điệp mạnh mẽ là mọi sự sẽ thay đổi.”
Ông Rajiv Biswas, kinh tế gia trưởng của IHS Toàn cầu cũng nói Ấn Độ đang nhìn về Hoa Kỳ để giúp New Delhi hiện đại hoá lực lượng vũ trang và phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước.
“Đối với Thủ tướng Modi, ưu tiên chính trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ là khía cạnh kinh tế, xây dựng các mối quan hệ thương mại và đầu tư, thuyết phục các công ty đa quốc gia Mỹ là Ấn Độ đang lớn mạnh, kinh tế đang phục hồi, và ông sẽ năng động hơn chính phủ trước trong việc giải quyết việc chấp thận những đầu tư mới và cũng củng cố hợp tác quốc phòng bằng một số những cuộc thương thuyết quan trọng hiện đang được đẩy mạnh đặc biệt là một thỏa thuận 2,5 tỉ đô la để quân đội Ấn Độ mua các máy bay trực thăng quân sự Apache và Chinook, nhưng những thỏa thuận quan trọng khác cũng đang được thương thuyết.”
Ông Biswas nói Ấn Độ đại diện cho một trong những thị trường tiêu thụ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tổng số chi tiêu của người tiêu dùng từ 1,1 ngàn tỉ năm ngoái lên đến 4,3 ngàn tỉ vào năm 2023.
Mậu dịch song phương Ấn Mỹ đạt mức 63,7 tỉ vào năm 2013, dưới trị giá thương mại Ấn Độ Trung Quốc một ít. Tuy nhiên ông Biswas nói khi đưa vào các mối giao dịch về dịch vụ, quan hệ thương mại Hoa Kỳ /Ấn Độ đạt được tổng cộng là 94 tỉ đô la vào năm ngoái.
Ngày Chủ Nhật, ông Modi được hàng ngàn người Mỹ gốc Ấn Độ đón chào nồng nhiệt tại Quảng trường Madison Square Garden nổi tiếng của New York.
“Nước Mỹ có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới. Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Toàn thế giới đã đến và định cư tại Ấn Độ và người dân Ấn Độ đã đến và định cư trên toàn thế giới.”
Một trong những người tham dự buổi đón tiếp Thủ tướng Modi, bà Sonny Khurana gọi tân Thủ tướng là một mẫu người lãnh đạo mới.
“Ông phát biểu như một nhà lãnh đạo thế giới. Việc này hầu như thiếu trong giới lãnh đạo Ấn Độ trong quá khứ. Chúng tôi có những chính trị gia nhưng không có nhà lãnh đạo thế giới đúng nghĩa. Một phần sáu nhân loại chắc chắn đang có được một người có thể nói và khởi xướng một phong trào mới, và ông là người này. Oâng là người xứng đáng cho công việc.”
Ông Rafiq Dossani thuộc The RAND Corporation nói chuyến đi của ông Modi quan trọng đối với cá nhân ông để đánh bóng vị thế của ông trên thế giới chung quanh việc Hoa Kỳ thu hồi visa của ông vào năm 2005 sau những cuộc bạo động giáo phái tại bang Gujarat trong nhiệm kỳ Thủ hiến của ông. Ông Dassani nói nếu Thủ tướng Modi có thể tạo ra một ấn tượng tốt tại Hoa Kỳ, thì sẽ cải thiện vị thế của ông tại các nơi khác, làm cho chuyến đi này của ông quan trọng hơn các chuyến viếng thăm Nhật Bản và Trung Quốc của ông.