Phát biểu hôm thứ Sáu 2/6 khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh an ninh “Đối thoại Shangri-La” ở Singapore, Thủ tướng Australia Anthony Albanese kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc hãy tương tác với nhau nhiều hơn nữa.
"Nếu không có van giảm áp là đối thoại, luôn luôn có một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là các suy diễn nảy sinh thành hành động và phản ứng không thể cứu vãn nổi", ông Albanese phát biểu trong khán phòng kín chỗ, gồm các quan chức quốc phòng và giới ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới.
Ông nói thêm: “Hậu quả của một sự cố như vậy – dù ở eo biển Đài Loan hay ở nơi nào khác – sẽ không chỉ giới hạn với những cường quốc hay nơi xảy ra xung đột của họ, mà các hậu quả đó sẽ cực kỳ ghê gớm đối với thế giới”.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ là chủ đề chi phối các phiên thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc trong tuần này đã từ chối lời mời gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin.
Lầu Năm Góc cho biết hôm 2/6 rằng hai ông đã bắt tay bên lề hội nghị nhưng cả hai không có "trao đổi thực chất" nào.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho hay: "Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng cần duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa hai quân đội với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - và sẽ tiếp tục tìm cách thực hiện các cuộc thảo luận có ý nghĩa giữa hai quân đội ở nhiều cấp khác nhau để quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm".
Những phát biểu của Thủ tướng Australia Albanese được đưa ra trong bối cảnh nước này tìm cách ổn định mối quan hệ với Trung Quốc sau 3 năm đóng băng ngoại giao và có các lệnh cấm thương mại, hiện Bắc Kinh đang nới lỏng dần.
Trung Quốc mua phần lớn quặng sắt có giá trị của Australia và là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
“Chúng tôi có mối quan hệ được cải thiện với Trung Quốc, chúng tôi muốn hợp tác ở những lĩnh vực có thể với Trung Quốc”, ông Albanese nói. "Đối thoại đã bị gián đoạn; giờ đây lại có cuộc đối thoại".
Hoa Kỳ là đồng minh an ninh lớn nhất của Australia và Bắc Kinh đã chỉ trích một thỏa thuận được công bố hồi tháng 3 về việc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ.
Australia chuẩn bị chi 368 tỷ đô la Úc (250 tỷ đô la Mỹ) trong 3 thập kỷ cho chương trình tàu ngầm, là một phần của hiệp ước an ninh rộng lớn hơn với Hoa Kỳ và Anh có tên là AUKUS.
Australia cũng là thành viên của mạng lưới thu thập và chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn), cùng với Hoa Kỳ, Anh, Canada và New Zealand – các quan chức Trung Quốc nói rằng nhóm này là tàn dư của “tâm lý chiến tranh lạnh” vẫn chưa chấm dứt của phương Tây và là một nỗ lực để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
(Reuters)