Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính được cho là đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ‘không cho phép bất kỳ thế lực nào chia rẽ Việt-Trung’, phát ngôn được các nhà quan sát cho là mang tính ‘xã giao’ mà Việt Nam phải nói để làm yên lòng Bắc Kinh.
Ông Chính vừa có chuyến thăm chính thức kéo dài bốn ngày đến Trung Quốc kết hợp dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới kể từ ngày 25/6. Chuyến thăm này của ông Chính trùng hợp với chuyến cập cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan cũng từ ngày 25, và đến 30/6.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân hôm 27/6, ông Chính được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Tập rằng Việt Nam ‘không cho phép bất kỳ thế lực nào chen ngang giữa hai nước’.
Tuy nhiên, câu nói này của ông Chính không xuất hiện trong các bản tường thuật của báo chí Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Chính nói với ông Tập rằng ‘Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam’.
Về phần mình, ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời ca ngợi mối quan hệ đồng chí giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa với mức độ tin cậy cao, là đối tác cùng có lợi và là bạn bè biết rõ về nhau và rằng ‘Trung Quốc hướng tới xây dựng cộng đồng có chung tương lai với Việt Nam’.
‘Tốt ngoài mặt’
Trao đổi với Việt Nam từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh ngoài miệng vẫn nói là ‘bạn bè tốt, đồng chí tốt’ nhưng bên trong Trung Quốc vẫn tìm cách chơi xấu Việt Nam.
“Nếu ông Chính nói thật lòng thì đấy là điều đáng lo vì nhiều công trình hợp tác với Trung Quốc không mang lại hiệu quả,” ông Đào nói và dẫn chứng nhà máy gang thép Thái Nguyên có vốn vay Trung Quốc ‘giờ chỉ là đống sắt vụn’
Còn nếu ông Chính chỉ nói chuyện xã giao thì trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải thận trọng khi chơi với Trung Quốc, nhất là khi tiếp nhận các dự án hợp tác với Trung Quốc, cũng theo lời nhà văn này.
Ông cũng chỉ ra những lý do mà Hà Nội buộc phải gắn chặt với Trung Quốc chẳng hạn như ‘mô hình nhà nước và thể chế chính trị Việt Nam là copy theo Trung Quốc’
“Những tệ nạn về kinh tế xã hội, ở Trung Quốc diễn ra như thế nào thì ở Việt Nam y như thế,” ông nói. “Trung Quốc phải đả hổ diệt ruồi thì Việt Nam có đốt lò.”
Là một người dân, ông Đào cho biết ‘dân trong nước thấy ngột ngạt lắm rồi nếu không thoát khỏi cái vòng kim cô Trung Quốc’.
“Có điều Đảng và Nhà nước thì không chịu vì họ vương nợ với cộng sản Trung Quốc quá sâu nặng. Nếu họ dứt đi được sẽ nguy hiểm cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của họ,” ông phân tích.
Do đó, nếu các lãnh đạo Việt Nam ngả theo phương Tây thì ‘họ lại sợ Trung Quốc’ mặc dù họ muốn bắt tay với phương Tây để có thêm nguồn lực phát triển, theo lời ông Đào.
Khi được hỏi trên vấn đề Biển Đông, liệu Hà Nội có vì quá lo ngại Bắc Kinh mà không dám tiến đến gần gũi hơn với Mỹ hay không, ông Đào cho rằng các lãnh đạo Việt Nam ‘sợ mất mỏ dầu thì phải ra tay giữ’. “Nhưng khi Trung Quốc rút rồi, mơn trớn vài câu, hứa cho vài câu thì họ lại mê Trung Quốc trở lại,” ông nói.
‘Cần nhún nhường Bắc Kinh’
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng chuyến đi của ông Chính sang Trung Quốc là ‘quan trọng hơn nhiều so với việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm’.
Theo nhận định của ông thì ‘tất cả những gì mà ông Chính nói với ông Tập chỉ là xã giao’. “Giữa những người cộng sản thì họ vẫn tuôn ra lời hay ý đẹp nhưng vẫn dè chừng lẫn nhau,” ông lý giải.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp như hiện nay, ông Phúc cho rằng Việt Nam phải làm sao giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, còn việc theo ai ‘chỉ là đối sách tạm thời’.
“Việt Nam đang bị kẹt trong mối quan hệ chồng chéo giữa các siêu cường. Việt Nam phải tìm chỗ đứng để giữ hòa khí với các nước và quan trọng nhất là không để Biển Đông trở thành chiến trường cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn mà người thiệt hại đầu tiên là Việt Nam,” ông nói.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu này thì các lãnh đạo Việt Nam biết rõ ‘Trung Quốc không từ bỏ tham vọng trên Biển Đông’ . “Thực tế ngoài thực địa, lực lượng chấp pháp Việt Nam đấu tranh rất dữ dội với các tàu Trung Quốc. Hành động này nói lên quyết tâm của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay,” ông giải thích.
Cũng như ông Đào, ông Phúc chỉ ra những ràng buộc giữa Hà Nội với Bắc Kinh khiến họ khó thoát ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh: “Tương quan về ý thức hệ, chế độ chính trị cũng quyết định phần nào việc Việt Nam thân cận với Trung Quốc dù bị o ép. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, mà cái quan trọng hiện nay là Việt Nam đang lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.”
Cho nên ông cho rằng nếu Việt Nam cần tự lực tự cường về kinh tế, nếu không sẽ ‘rất khó’ để không bị gắn chặt vào Trung Quốc.
“Thù địch với Trung Quốc là không có lợi cho Việt Nam,” ông nói và cho rằng trước mắt Việt Nam không thể làm căng với Trung Quốc, vẫn phải nhún nhường, vẫn phải xoa dịu và trấn an nỗi lo của Bắc Kinh rằng Hà Nội có thể hùa với Mỹ chống Trung Quốc.
“Trong lịch sử, các triều đại Việt Nam đã từng đánh thắng các triều đại Trung Quốc. Nhưng một khi xong thì cũng phải sang triều cống để giữ hòa hiếu,” ông chỉ ra.
Khi được hỏi sự ủng hộ về kinh tế và chính trị của Mỹ có đủ để Việt Nam lánh xa Trung Quốc hay không, ông Đinh Kim Phúc cho rằng ‘Việt Nam vẫn cần phải giữ cân bằng giữa hai bên’ và ‘Việt Nam có nhiều vấn đề trong kinh nghiệm bang giao với Mỹ’.