Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng với sáu bộ trưởng sẽ đến thăm Nhật Bản vào ngày 18/3 với mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, trong lúc ông tìm cách giảm sự phụ thuộc của Đức vào nguyên liệu thô của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Scholz và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang lên kế hoạch ‘tham vấn chính phủ’ với sự tham gia của nhiều thành viên nội các của chính phủ hai nước để thảo luận về các phương cách đảm bảo an ninh kinh tế.
“Là các nền dân chủ và là nền kinh tế công nghiệp hóa cao, định hướng xuất khẩu, Nhật và Đức đối mặt với những thách thức giống nhau trong việc định hình chuyển đổi kỹ thuật số và sinh thái, đồng thời củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế trong thời kỳ địa chính trị khó khăn,” Franziska Brantner, quốc vụ khanh thuộc Bộ Kinh tế Đức, nói với Reuters.
Với việc Nhật Bản thông qua dự luật về an ninh kinh tế, Berlin hy vọng sẽ học được chiến lược nguyên liệu thô của Nhật và chấp nhận gợi ý của Tokyo về cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, một quan chức chính phủ Đức nói về chuyến công du của ông Scholz.
Trong một động thái chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh kinh tế hồi năm ngoái nhằm bảo vệ công nghệ và củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng.
Thương mại giữa Đức và Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục vào năm ngoái, khiến quốc gia châu Á này trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm thứ bảy liên tiếp bất chấp những cảnh báo chính trị ở Berlin về sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.
Khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 298 tỷ euro đã được giao thương giữa hai nước vào năm 2022, tăng khoảng 21% so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ cục thống kê Đức.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức ở châu Á sau Trung Quốc, với kim ngạch đạt khoảng 46 tỷ euro vào năm 2022.
Lo lắng về sự phụ thuộc của Đức, chính phủ trung tả hiện đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh so với chính phủ trung hữu tiền nhiệm và đang tìm hiểu các cách để từ từ bãi bỏ sự lệ thuộc vào Trung Quốc.