Hãy thay các tàu chiến bằng tàu nhỏ tuần tra chung trên Biển Đông, đó là giải pháp duy trì hòa bình mà Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) hôm 19/6.
Theo vị thủ tướng 92 tuổi mới đắc cử thì sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trong khu vực biển giàu tài nguyên và đầy tranh chấp này.
“Tôi nghĩ không nên có quá nhiều tàu chiến. Tàu chiến tạo ra căng thẳng”, ông Mahathir nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền của SCMP. “Một ngày nào đó, ai đó có thể phạm sai lầm và sẽ có một trận chiến, mất một số tàu, rồi có thể có chiến tranh. Chúng ta không muốn điều đó”.
Theo thủ tướng Mahathir, các tàu nhỏ “nên được trang bị để đối phó với cướp biển, chứ không phải để chiến đấu trong một cuộc chiến”.
Nói về quan điểm của tân chính phủ đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, ông Mahathir khẳng định Malaysia muốn tiếp tục chiếm đóng trên các hòn đảo mà nước này nắm giữ.
“Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là của họ, nhưng lâu nay những hòn đảo đó luôn được coi là của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi muốn giữ lại chúng”, Thủ tướng-Tiến sĩ Mahathir nói với SCMP.
“Có một số đá mà chúng tôi đã phát triển thành đảo. Chúng tôi hy vọng là sẽ ở trên những hòn đảo này bởi vì nó là một phần của việc giữ an toàn cho vùng biển khỏi cướp biển và những người khác”.
Malaysia nằm trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên tuyến hàng hải chiến lược có lượng lưu thông toàn cầu trị giá lên đến 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Tháng trước, không quân Trung Quốc đã đáp máy bay ném bom trên các đảo và bãi đá tranh chấp ở Biển Đông trong một bài tập huấn luyện, khiến Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối.
Căng thẳng càng leo thang hơn khi Hoa Kỳ đưa tàu chiến đến khu vực để thể hiện “tự do hàng hải”.
Các nhà quan sát nói rằng các vùng biển đã trở thành một điểm chớp cháy vì quân sự nặng nề ở Trung Quốc và các quốc gia tuyên nhận khác, trong khi Mỹ gửi tàu chiến đến khu vực này như là một phần của các bài tập “tự do hàng hải”.