Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và muốn củng cố chuỗi cung ứng với tất cả các nước, thủ tướng nước này - ông Lý Cường - phát biểu hôm 28/11 trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước lên tiếng lo ngại về việc chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phát biểu của ông Lý được đưa ra sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu hồi năm ngoái đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định và ‘giảm rủi ro’ cho chuỗi cung ứng của họ, cũng như nỗ lực gạt các công ty Trung Quốc ra khỏi ngành sản xuất hàng bán dẫn tiên tiến.
“Chúng tôi đã sẵn sàng xây dựng quan hệ về chuỗi cung ứng sản xuất và công nghiệp chặt chẽ hơn với tất cả các nước”, ông Lý phát biểu tại Triển lãm chuỗi Cung ứng Quốc tế của Trung Quốc (CISCE) lần thứ nhất, đồng thời nói thêm rằng cộng đồng quốc tế cần ‘cảnh giác hơn với những thách thức và rủi ro mà chủ nghĩa bảo hộ và toàn cầu hóa bừa bãi đem đến’.
Những căng thẳng địa chính trị gần đây, từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho đến những lo ngại về việc Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan, đã khiến ngày càng nhiều công ty nước ngoài quyết định không mở rộng chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc, mà thay vào đó hướng dòng vốn đầu tư của họ vào các nước khác như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam vốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ, chiến lược được gọi là ‘Trung Quốc+1’.
Triển lãm này, do Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) tổ chức, là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, vốn đã giảm xuống mức thấp lịch sử.
Theo Rhodium Group, giá trị đầu tư mới của Mỹ và châu Âu vào Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 120 tỷ đô la trong năm 2018 xuống chưa tới 20 tỷ đô la vào năm ngoái, trong khi đầu tư vào Ấn Độ trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022 đã tăng khoảng 65 tỷ đô la, tức tăng 400%.
Bất chấp sự sụt giảm này, Trung Quốc vẫn là lựa chọn hấp dẫn: một cuộc khảo sát do ngân hàng HSBC thực hiện tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) hồi đầu tháng này cho thấy 45% các công ty dự kiến sẽ mở rộng chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc trong năm tới.
“Tôi nghĩ rằng chuyện này bị cường điệu hóa lên rất nhiều. Và tôi không chắc liệu các biện pháp (giảm rủi ro) mà EU hoặc Mỹ đang cân nhắc có tương xứng với quy mô rủi ro nó gây ra hay không”, Dan Marks, nhà nghiên cứu an ninh năng lượng tại tổ chức tư vấn Royal United Services, nhận xét.
Sự cải thiện rõ rệt quan hệ Mỹ-Trung, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và tham gia Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mới đây, cũng sẽ giúp củng cố vị thế của Trung Quốc là trung tâm sản xuất quan trọng.
Ông Trương Thiếu Cương, quan chức CCPIT tháp tùng phái đoàn Trung Quốc tại Thượng đỉnh APEC, hồi tuần trước nói rằng 20% các công ty nước ngoài tham gia trưng bày tại triển lãm chuỗi cung ứng là các công ty Mỹ, trong đó có Amazon, Apple, Tesla và Intel.