Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi các quốc gia “tuân thủ luật pháp quốc tế” và “hành xử có trách nhiệm” trên Biển Đông khi phát biểu tại cuộc họp của các lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/11, theo truyền thông trong nước.
Ông Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự trực tuyến hội nghị cấp cao đặc biệt nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, nơi ông Tập, được Reuters trích lời, nói với các lãnh đạo khối 10 nước ASEAN rằng Bắc Kinh sẽ không “bắt nạt” các nước láng giềng nhỏ hơn giữa lúc căng thẳng tiếp tục tăng cao trên Biển Đông.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh, ông Tập, nhà lãnh đạo có nhiều quyền lực nhất của Trung Quốc nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi tiếp tục mang tính quyết định tới mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc trong tương lai, gồm tin cậy chính trị, tinh thần hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, theo Dân Trí.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, vốn có nhiều tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, cần tiếp tục “củng cố lòng tin chiến lược và đẩy mạnh hợp tác toàn diện.”
Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết Biển Đông với đường “lưỡi bò” chín đoạn chồng lấn lên chủ quyền lãnh thổ mà một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng có tuyên bố. Toà trọng tài quốc tế ở La Haye cách đây hơn 5 năm đã bác bỏ các tuyên bố “không có cơ sở” này của Trung Quốc trong khi Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã lên tiếng chỉ trích hành vi “bắt nạt” của Bắc Kinh đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trong việc khai thác dầu khí và đánh bắt cá trên Biển Đông.
Tuy nhiên tại buổi họp trực tuyến hôm 22/11, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền hay tận dụng lợi thế rộng lớn để cưỡng ép các quốc gia nhỏ nhơn, và sẽ làm việc với ASEAN nhằm xoá bỏ “sự khác biệt,” theo Reuters.
“Trung Quốc đang, và sẽ luôn là một hàng xóm tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN,” ông Tập được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích lời nói.
Khối ASEAN và Trung Quốc trong gần 3 thập kỷ qua đã tìm cách đưa ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhưng cho tới nay việc đàm phán vẫn chưa kết thúc do sự bất đồng từ các bên.
Thủ tướng Việt Nam hôm 22/11 thúc giục các bên tiếp tục thúc đẩy xây dựng và sớm đạt được COC “hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982," theo VnExpress.
Ông Chính còn kêu gọi các bên “cùng nhau giữ vững hoà bình, ổn định hợp tác phát triển” trong một môi trường mà ông nói là “còn nhiều bất định.”
Căng thẳng trên Biển Đông tăng cao trong những ngày gần đây khi tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên Bãi Cỏ Mây ở Trường Sa trong khi một tàu ngầm của Đài Loan đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình, cũng thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào tuần trước đã lên tiếng chỉ trích các hành động này.
Kết thúc hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, trong đó không có sự tham gia của đại diện từ Myanmar, một Tuyên bố chung được đưa ra, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982, và tiếp tục thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải, cũng như tăng cường tin cậy lẫn nhau và duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông. Các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định lại cam kết đối với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và thực hiện kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thanh tranh chấp và ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định trong khu vực. Tuyên bố chung cũng tái khẳng định cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) trên Biển Đông cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC trong một mốc thời gian được các bên nhất trí.
Cũng tại hội nghị này, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.