Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các nước trong khu vực Đông Nam Á lưu ý về những “diễn biến” quân sự hóa trên Biển Đông và mối đe dọa đối với các ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển có tranh chấp này.
Phát biểu tại một phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 tại Bangkok, Thái Lan, sáng ngày 23/6, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho rằng ASEAN – tức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – “cần nhìn nhận thẳng thắn” cũng như “không bỏ qua những diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên trên biển.”
Thủ tướng Việt Nam nói rằng “những diễn biến trên thực địa” đó “thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân,” theo bản tin đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Phúc không chỉ ra cụ thể những “diễn biến trên” do phía nào gây ra nhưng trong thời gian gần đây, cả ngư dân Việt Nam và Philippines đều bị các tàu Trung Quốc đâm chìm và gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về vật chất.
Việt Nam hôm 20/6 cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh xử lý tàu của họ cũng như bồi thường cho các ngư dân Việt bị ảnh hưởng.
Đầu tháng này, truyền thông trong nước cho biết một tàu đánh bắt mực của ngư dân Quảng Nam bị tàu Trung Quốc chặn và cướp đi 2 tấn mục khô ở khu vực đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/6 đã “giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc phản đối hành động nêu trên,” theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói hôm 20/6.
Hồi tháng 3, một tàu cá và 5 ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Chính phủ Philippines trong tháng này cũng cáo buộc tàu Trung Quốc đâm tàu cá của họ khi xác nhận vụ việc này xảy ra gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông vào tối ngày 9/6. Theo truyền thông Philippines và Việt Nam, 22 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm đã được một tàu Việt Nam cứu vớt.
Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/6 đã cảm ơn thủy thủ đoàn Việt Nam vì cứu sống ngư dân của đất nước gặp nạn trên biển trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bangkok.
Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông trong suốt 20 năm qua, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 chính thức lên tiếng phản đối và bác bỏ lệnh cấm này.
Tin cho hay, Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trên vùng Biển Đông có sự tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái cho biết, quân đội Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo tranh chấp trên Biển Đông với việc triển khai các hệ thống tên lửa tân tiến trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh cũng được cho là đã gây sức ép với Hà Nội khiến dự án khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ giữa Việt Nam và tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, trong khu vực mà Việt Nam cho là trong vùng đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông, phải “tạm dừng” vô thời hạn.
Thủ tướng Phúc hôm 23/6 kêu gọi ASEAN “cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa thẳng thắn, có trách nhiệm với những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổ định.”
Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) trong đó, theo Reuters, Hà Nội muốn đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hành động mà Bắc Kinh đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua.