Việt Nam nóng lòng hợp tác với Nhật Bản trong một chương trình visa mới để giúp nước này giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, truyền thông Nhật Bản đưa tin.
Báo Nikkei dẫn lời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Tư 26/6 nói rằng ông “hoan nghênh” chương trình visa mới của Nhật cho lao động nước ngoài, và kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực “đầy hứa hẹn này”.
Hai nước dự kiến trong nay mai sẽ ký một thỏa thuận về việc chấp nhận người lao động Việt Nam qua chương trình visa lao động mới đã được phát động từ ngày đầu tháng Tư năm nay, mở cửa nhận lao động nước ngoài làm việc trong 14 ngành công nghiêp đang thiếu lao động trầm trọng ở Nhật Bản.
Hiện đã là một nguồn cung cấp lao động chủ yếu của Nhật Bản, Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu danh sách lao động nước ngoài theo chương trình mới, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc người cao niên, và thực phẩm.
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Nhật Bản khi đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ Tướng Việt Nam viết, theo Japan Times:
“Việt Nam hoan nghênh việc Nhật Bản thiết lập tư cách cư trú mới “Lao động kỹ năng đặc định” nhằm tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và sẵn sàng ưu tiên tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực này, vì lợi ích của hai nước.”
Ông Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Tokyo hãy tạo ra một môi trường thuận lợi cho lao động Việt Nam dễ dàng thích nghi với các sinh hoạt ở Nhật Bản. Ông nói hai bên sẽ hợp tác để trấn áp những hành động lạm dụng của các trung gian môi giới ngược đãi người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói hơn 300.000 người Việt hiện đang có mặt tại Nhật Bản là “một nguồn nhân lực quý giá của Việt Nam, trong khi cũng có đóng góp vào xã hội Nhật Bản.”
Thủ Tướng Việt Nam tới Nhật dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 kéo dài hai ngày bắt đầu từ thứ Sáu 28/2, tại Osaka trong tư cách quan sát viên.
Cuối năm ngoái, Nội các Nhật Bản thông qua một gói chính sách mới về chương trình xuất khẩu lao động. Theo chương trình bắt đầu từ tháng 4/2019, chính phủ Nhật sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới để làm việc trong các ngành đang thiếu hụt lao động gồm: xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng. Những nước xuất khẩu lao động sang Nhật bản gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, và Philippines.