Trong tám tháng vừa qua Việt Nam đã chi hơn 15.000 tỉ đồng (khoảng 660 triệu Mỹ kim) nhập cảng cả nguyên liệu để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lẫn các loại thuốc bảo vệ thực vật từ ngoại quốc.
***
Thuốc bảo vệ thực vật là mỹ từ chỉ các loại thuốc trừ diệt cỏ dại, côn trùng có hại cho cây cối. Tuy bảo vệ được thực vật nhưng tất cả những loại thuốc bảo vệ thực vật đã và đang được sử dụng tại Việt Nam đều là thuốc độc đối với con người và môi trường.
Cách nay vài thập niên, gần như toàn bộ châu Âu cùng lắc đầu với các loại thuốc “bảo vệ thực vật”. Tuy chưa thể lắc đầu như châu Âu nhưng nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã giới hạn hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật ở phạm vi từ 400 đến 600 loại.
Riêng tại Việt Nam, số hoạt chất được phép sử dụng trong thuốc bảo vệ thực vật lên tới… 1.700 loại. Sự dễ dãi đó khiến thuốc “bảo vệ thực vật” tại Việt Nam “cực kỳ hiệu quả” vì… cực độc!
Không những không hạn chế, Việt Nam còn mở toang cửa cho đủ loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất để chế tạo thuốc bảo vệ thực vật đổ vào. Trong bốn năm từ 2011 đến 2015, mỗi năm, Việt Nam chi hơn 400 triệu Mỹ kim để nhập các loại thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất chế tạo thuốc bảo vệ thực vật. Phần lớn đến từ Trung Quốc. So với thời điểm trước năm 2010, kim ngạch nhập cảng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất chế tạo chúng dù đã tăng mười lần nhưng vẫn còn tiếp tục tăng vùn vụt.
Theo một thống kê do Tổng cục Hải quan Việt Nam thực hiện và công bố hồi đầu năm nay thì năm ngoái, Việt Nam đã chi khoảng hai tỉ Mỹ kim để nhập cảng các loại hoá chất và nguyên liệu sản xuất hoá chất. Khoảng ¾ hoá chất và nguyên liệu sản xuất hoá chất nhập cảng là từ Trung Quốc (tương đương 1,8 tỉ Mỹ kim). Hơn một nửa hóa chất và nguyên liệu sản xuất hóa chất mà Việt Nam đã nhập cảng trong năm 2016 là thuốc bảo vệ thực vật!
Các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế từng thực hiện một số cuộc khảo sát và loan báo rộng rãi rằng, tại Việt Nam hiện có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật dùng không đúng cách, thành ra mỗi năm, có từ 150 đến 200 tấn thuốc bảo vệ thực vật dư thừa thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước khiến cả đất, nước lẫn nông sản cùng bị nhiễm độc, môi trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe của cộng đồng và nhiều thế hệ bị hủy hoại.
Hồi tháng 6 năm ngoái, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo Phát triển cộng đồng, than rằng, “tam nông” ở Việt Nam hiện nay không phải là “nông nghiệp - nông thôn - nông dân” mà là “dân nghiện - đất nghiện - nước thoái hóa”. Ông Tuấn nhấn mạnh, nông dân Việt đã đánh mất sự tự chủ, tự nguyện để bị sai khiến, bị bóc lột bởi ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc. Họ không còn “xem trời, xem đất, xem mây” để đưa ra các quyết định liên quan tới canh tác mà trở thành phụ thuộc, để thiên hạ “bảo gì thì làm thế”, “cho gì thì dùng thế”. Nông dân trở thành “nghiện” thuốc bảo vệ thực vật vì bơ vơ giữa rừng thông tin bất định! Chẳng riêng dân “nghiện” mà đất cũng “nghiện”, thu hoạch được bao nhiêu thì nông dân lại bỏ ra bấy nhiêu mua sắm phân bón công nghiệp, thuốc “bảo vệ thực vật”, bởi ngưng bón, ngừng phun thì sẽ chẳng còn gì. Bên cạnh “dân nghiện”, “đất nghiện”, “nước cũng đang thoái hóa” vì thuốc bảo vệ thực vật. Cá, tôm, cua, ốc, ếch… từng như đương nhiên giờ đang mất dần.
Ông Tuấn đưa ra nhiều dẫn chứng nhằm khẳng định, nông nghiệp - nông thôn – nông dân Việt Nam đang bị lệ thuộc vào ngành công nghiệp hóa chất của ngoại bang. Cảnh báo ấy dù hữu lý nhưng nó cũng giống như những cảnh báo khác – chúng chỉ là những tiếng kêu vô vọng trong hoang mạc.
***
So với tám tháng đầu năm ngoái thì kim ngạch nhập cảng thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ đầu năm nay đến hết tháng tám tiếp tục tăng khoảng 47%. Phần lớn thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cũng lại từ Trung Quốc.
Một nông dân tên là Phạm Văn Bảnh, ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng, mỗi vụ lúa (khoảng 90 ngày), ông xịt thuốc bảo vệ thực vật khoảng tám lần. Một lão nông tên là Bùi Văn Thanh, ngụ tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, thú thật, ông đã thử hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật - trước khi sạ giống, không phun thuốc diệt cỏ ven bờ như vẫn làm, ngưng rải thuốc diệt ốc bươu vàng trong ruộng, lúc ủ giống, không trộn thuốc kích thích nảy mầm,… - tuy nhiên sau một tuần, tỉ lệ nảy mầm chưa tới 10% vì bị cỏ dại lấn lướt, ốc bươu vàng tấn công. Đó là lý do lão nông Bùi Văn Thanh không dám giã từ thuốc bảo vệ thực vật.
Dốc hết vốn liếng cho các loại thuốc bảo vệ thực vật để giữ hoa lợi ổn định nhưng nông dân Việt Nam thường mất cả chì lẫn chài vì nông sản ế ẩm tới mức phải cho gia súc ăn hay bỏ mặc cho chúng héo, thối ngoài ruộng vườn.
Tháng trước, báo điện tử VietNamNet công bố một thống kê, theo đó, tính từ đầu năm nay cho đến hết tháng bảy vừa qua, Việt Nam đã chi 659 triệu Mỹ kim để nhập cảng rau trái từ Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan,… trong đó có không ít loại rau trái mà xưa nay, nông dân Việt Nam vẫn trồng, vẫn bán. Ngoài yếu tố giá rau trái ngoại quốc càng ngày càng rẻ vì chính quyền Việt Nam phải thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký (mở cửa thị trường, miễn hoặc giảm thuế nhập cảng cho rau trái ngoại quốc), còn một lý do khác khiến rau trái ngoại quốc tràn lan trên thị trường Việt Nam là vì người tiêu dùng Việt Nam sợ rau trái trong nước làm họ bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân Việt Nam vốn đã mạt vì thuốc bảo vệ thực vật, giờ không còn đường sống cũng vì thuốc bảo vệ thực vật.
***
Năm 1987, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) loan báo, hoạt chất 2,4D có thể gây ung thư, khiến phụ nữ sinh quái thai và rất khó phân hủy nên sự nguy hại có thể tác động đến nhiều thế hệ. Theo IARC, con người rất dễ nhiễm 2,4D qua thức ăn, nước uống, hít thở.
Một loại hoạt chất khác tên là Paraquat có mặt trong các loại thuốc diệt cỏ cũng đã được xác định là hết sức nguy hại cho hệ hô hấp, tim, gan, thận, có thể là một tác nhân dẫn tới Parkinson. Cộng đồng châu Âu đã cấm dùng paraquat từ 2007, Hoa Kỳ thì qui định muốn dùng paraquat phải xin phép.
Tại Việt Nam, có bốn loại thuốc bảo vệ thực vật đang được lưu hành rộng rãi chứa 2,4D và 46 loại thuốc bảo vệ thực vật chứa Paraquat. Những loại thuốc bảo vệ thực vật này đã và đang được dùng tràn lan để diệt cỏ cho các ruộng lúa, vườn bắp, mía, cà phê, bông, cao su, đậu nành. Thậm chí dùng để thúc cho trái cây mau chín. Không chỉ ở nông thôn mà tại các đô thị lớn những loại thuốc bảo vệ thực vật vừa kể còn được dùng ở các công viên, sân golf, vườn cảnh.
Cuối năm 2013, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, theo đó, những sản phẩm có bằng chứng gây nguy hại cho sức khỏe con người, gia súc, gia cầm, môi trường,… thì phải loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.
Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2015 nhưng đến tháng 2 năm nay, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam mới chính thức cấm sử dụng hoạt chất 2,4D và Paraquat.
Tại sao lại chờ tới hai năm sau khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có hiệu lực Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam mới cấm dùng các hoạt chất 2,4D và Paraquat? Không có ai trả lời.
Một số chuyên gia như ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới, nhận định, việc chần chừ không cấm 2,4D và Paraquat sớm hơn là do tác động của các “nhóm lợi ích”. Ông Nghĩa nêu thắc mắc, ai sẽ chịu trách nhiệm về việc cho phép sử dụng rộng rãi 2,4D và paraquat dù chúng cực độc cho cả sức khỏe con người lẫn môi trường? Từ tháng 2 đến nay, không ai trả lời câu hỏi này.
***
Kinh tế - trong đó có nông nghiệp, xã hội – trong đó có người tiêu dùng, nông dân tại Việt Nam đang bị thúc để vận động theo một vòng tròn không có lối ra. Thuốc bảo vệ thực vật chỉ là một ví dụ minh họa. Dẫu nhanh hay chậm thì những chuyển động vô vọng đó cũng sẽ làm tất cả kiệt sức và quị xuống.