Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bày tỏ những quan ngại nghiêm trọng về tranh chấp Biển Đông khi dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm tại Manila trong tuần này, nhưng bản dự thảo thông cáo chung dự trù công bố cuối hội nghị cho thấy ASEAN sẽ ‘dịu giọng’ về cuộc tranh chấp khiến các chính phủ Tây-Á ngày càng báo động.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đẩy mối quan hệ một thời băng giá với Trung Quốc nồng ấm hơn, sẽ tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN ngày thứ Bảy 29 tháng 4. Các thượng đỉnh này những năm gần đây chú trọng đến tranh chấp leo thang liên hệ đến 4 thành viên ASEAN, Đài Loan và Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản dự thảo sẽ công bố khi kết thúc hội nghị mà thông tấn xã AP có được hôm 25 tháng 4 không đề cập đến phán quyết trọng tài năm ngoái bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, chỉ bày tỏ những quan ngại sâu sắc “của một số nhà lãnh đạo” về tình hình “leo thang các hoạt động trong khu vực.”
Hai mươi trang dự thảo không nói nhiều đến Biển Đông và lặp lại những lời quan ngại đã dùng trong các thông cáo chung trước đây của ASEAN. Tuyên bố được Lào đưa ra năm ngoái khi làm chủ tịch ASEAN thảo luận nhiều hơn về tranh chấp Biển Đông và thể hiện quan ngại về hành động “lấy đất lấp biển,” ám chỉ việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại đây dù không nêu đích danh siêu cường châu Á này. Lào là một đồng minh của Trung Quốc.
Trung Quốc luôn luôn chống lại việc nêu lên trước diễn đàn quốc tế tranh chấp lãnh thổ với 5 chính phủ trong đó có các thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh muốn thương thuyết với từng quốc gia một, nhằm loại Hoa Kỳ ra ngoài. Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện châu Á.
Washington vẫn là một trong những tiếng nói chỉ trích các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, trong đó có việc xây 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên Biển Đông. Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra trên vùng biển này với lý do đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của thủy lộ giao thương bận rộn nhất thế giới này.
Tổng thống Duterte lên cầm quyền vào tháng 6 năm ngoái đã điều chỉnh lại các quan hệ với Trung Quốc trong lúc có quan điểm thù nghịch với đồng minh Hoa Kỳ vì Washington chỉ trích chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.
Ông Duterte đã gạt ra một bên quyết định của tòa trọng tài quốc tế tuyên bố việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông là vô giá trị hầu vực dậy các quan hệ thương mại và hạ tầng cơ sở tài chánh với Bắc Kinh. Ông Duterte nói sẽ đề cập đến thắng lợi của Philippines trong vụ kiện này vào một thời điểm chưa rõ trong nhiệm kỳ 6 năm của ông, một lập trường mà những người chỉ trích nói có thể làm suy yếu những cơ hội buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết cột mốc này.