Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden mời Đài Loan tham gia "Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ" vào tháng tới, theo bản danh sách những nước tham gia được công bố hôm thứ Ba 23/11. Động thái này khiến Trung Quốc nổi giận. Chính quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn coi đảo Đài Loan theo thể chế dân chủ là lãnh thổ của Trung Quốc.
Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh về dân chủ đầu tiên và là phép thử về lời quả quyết mà Tổng thống Joe Biden đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên của ông về chính sách đối ngoại hồi tháng 2. Khi đó, ông nhấn mạnh rằng sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu để mặt đối mặt với các thế lực chuyên quyền do Trung Quốc và Nga cầm đầu.
Trong danh sách khách mời của Bộ Ngoại giao Mỹ, có 110 nước tham gia sự kiện sẽ diễn ra qua mạng vào hai ngày 9 và 10/12, có mục tiêu ngăn chặn tình trạng dân chủ bị thụt lùi và các quyền tự do bị suy yếu trên toàn thế giới. Danh sách không có tên Trung Quốc và Nga.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết đại diện cho chính quyền của hòn đảo sẽ là Bộ trưởng Kỹ thuật số Audrey Tang, và Hsiao Bi-khim, vị này về thực chất là đại sứ của Đài Loan tại Washington.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nói thêm: "Việc nước chúng tôi được mời tham gia 'Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ' chính là sự khẳng định về những nỗ lực của Đài Loan dành cho thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền trong những năm qua".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ "kiên quyết phản đối" lời mời này.
"Các hành động của Hoa Kỳ chỉ càng cho thấy dân chủ chỉ là vỏ bọc và là công cụ để nước này thúc đẩy các mục tiêu địa chính trị, đàn áp các quốc gia khác, chia rẽ thế giới và phục vụ lợi ích của riêng họ", phát ngôn viên Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nói với các phóng viên tại Bắc Kinh.
Đài Loan - với chính quyền tự trị - cho rằng Bắc Kinh không có quyền lên tiếng về việc này.
Danh sách của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy sự kiện này sẽ quy tụ các nền dân chủ vững chắc như Pháp và Thụy Điển, cũng như các nước như Philippines, Ấn Độ và Ba Lan, nơi các nhà hoạt động cho rằng nền dân chủ đang bị đe dọa.
Ở châu Á, một số đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc được mời, trong khi những nước khác như Thái Lan và Việt Nam thì không. Những nước vắng mặt đáng chú ý khác là Ai Cập, đồng minh của Mỹ, và Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO. Đại diện cho Trung Đông rất ít ỏi, với Israel và Iraq là hai quốc gia duy nhất được mời.