Việt Nam và Australia chính thức nâng cấp các quan hệ song phương trước thềm một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt quy tụ các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ khai mạc vào cuối tuần này ở Sydney. Trọng tâm của hội nghị gồm: giáo dục, hợp tác kinh tế, chống khủng bố và những thách thức đối với an ninh khu vực, kể cả tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Joshua Kurlantzick, nhận định: giống như một số nước trong khu vực, Việt Nam đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc khu vực chống lại một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán, trong khi chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ dưới quyền Tổng thống Trump chưa rõ rệt và cũng không có gì là chắc chắn.
Là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Canberra hôm thứ Năm 15/3, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc được đón tiếp theo đúng nghi lễ với 19 phát đại bác bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Canberra trước khi đàm phán với Thủ tướng nước chủ nhà Malcolm Turnbull.
Việt Nam và Australia tuần trước vừa ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - còn gọi là TPP-11, đã được thành lập sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP nguyên thủy.
Đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Úc-Việt năm nay, hai nhà lãnh đạo ký thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm tăng cường các nối kết quốc phòng, an ninh, thương mại, và đầu tư. Chuyến thăm Úc của Thủ tướng Việt Nam diễn ra ngay trước thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Úc, cho thấy quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ song phương. Cầu Mỹ Thuận và Cầu Cao Lãnh sắp khánh thành với sự hỗ trợ của chính phủ Úc là những biểu tượng sống động của quan hệ Việt-Úc, theo lời các giới chức Việt Nam.
Tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương, Hà Nội cũng ráo riết xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, một quốc gia mà nhà nghiên cứu Kurlandzick đánh giá là “có năng lực hải quân và sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng ở Biển Đông, dù phải đối mặt với những phản ứng gắt gao từ Bắc Kinh”.
Giống như một số nước trong khu vực, Việt Nam đang tìm cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc khu vực chống lại một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán, trong khi chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ dưới quyền Tổng thống Trump chưa rõ rệt.Joshua Kurlantzick, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR)
Đối phó với sự trỗi dậy và thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Úc, giữa lúc đồng minh chủ yếu của mình một mực theo đuổi ‘chính sách Nước Mỹ trên hết’, Canberra buộc lòng phải giảm bớt sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, và đẩy mạnh đa phương hóa chính sách ngoại giao để thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nước phát triển nhanh nhất ASEAN tại thời điểm này.
Một trong các trọng tâm của hội nghị Úc-ASEAN sắp diễn ra ở Sydney là điểm nóng ở Châu Á: các vụ tranh chấp chủ quyền trong Biển Đông. Trả lời VOA-Việt ngữ, ông Joshua Kurlantzick nói:
“Những lợi ích của Việt Nam và Úc, cũng như Việt Nam và Ấn Độ, ngày càng hội tụ về một điểm, đặc biệt liên quan tới quyền tự do hàng hải và việc giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp trong Biển Đông.”
Ông Kurlantzick nói điều đó có nghĩa là Việt Nam muốn tăng cường hợp tác an ninh với Úc và đặc biệt với Ấn Độ, cường quốc khu vực cạnh tranh với Trung Quốc rất quan tâm trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, và việc Trung Quốc lắp đất xây đảo và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp. Vì lý do này, New Dehli trong thời gian qua đã tích cực vận động để tăng cường quan hệ với các nước Á châu với chính sách ‘hướng Đông’.
Ông Kurlantzick: “Điều đó có nghĩa là Việt Nam tìm thấy nơi Ấn Độ một đối tác quan trọng, những quyền lợi của hai nước liên quan tới Biển Đông và Trung Quốc nói chung, ngày càng hội tụ.”
Ông Joshua Kurlantzick tỏ ra lạc quan về quan hệ đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Ấn Độ:
“Tôi tin rằng trong tương lai, Việt Nam và Ấn Độ sẽ trở thành các dối tác thiết yếu của nhau về mặt an ninh. Chưa gì hai nước đã đang trên đường thành các đối tác quan trọng của nhau trong lĩnh vực này, bên cạnh quan hệ với Hoa Kỳ và ở một mức độ nào đó, với Nhật Bản, tuy nhiên Nhật Bản vấp phải một số hạn chế vì hiến pháp chủ hòa của nước này, thành thử Ấn Độ là đối tác an ninh hợp lý nhất của Việt Nam.”
Liệu sự hợp tác của hai nước có dẫn đến một liên minh chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc?
Ông Joshua Kurlantzick:
“Đây không phải là một liên minh quân sự chính thức, mà là một quan hệ chiến lược/an ninh thân thiết. Quan hệ đối tác rất đa dạng, bao gồm hợp tác hàng hải quy mô, các cuộc gặp cấp cao, Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam, và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Ấn Độ sẵn sàng tạo điều kiện cho các công ty dầu khí của nhà nước Ấn Độ tham gia các dự án thăm dò dầu hỏa trong Biển Đông, một bước hành động gây nhiều đối đầu, tranh cãi. Ngoài ra, hai bên đã đạt tiến bộ đáng kể trong quan hệ đối tác về thương mại và kinh tế. Thế cho nên, đây là một quan hệ đối tác rất quan trọng.”
Về khả năng hình thành một “liên minh rộng lớn” với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Việt Nam chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, nhà nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định:
“Tôi không tin là Việt Nam sẽ gia nhập một liên minh quân sự chính thức nào, bây giờ hay trong tương lai gần, đây là một khái niệm đi ngược lại hướng tiếp cận của Hà nội về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, các quan hệ như thế đang xuất hiện, mặc dù tôi không chắc là nước Úc ở thế ngang hàng với các đối tác khác liên quan tới những lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.”
Thế Ấn Độ thì sao? Xích lại gần Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông có lợi ích gì cho Ấn Độ? Ông Kurlantzick, từng là một nhà báo có uy tín, trả lời rằng New Dehli tích cực mưu tìm một đường lối để đối trọng sức mạnh của Trung Quốc, và Việt Nam là một đối tác rất quan trọng về mặt này.