Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ có thể đạt 100 tỷ USD trong năm nay, tăng hơn 220 lần kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ cách đây hơn 1/4 thế kỷ, theo dự tính của một lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Hoàng Quang Phong, phó chủ tịch VCCI cho biết, tại một hội nghị được tổ chức gần đây nhằm thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Mỹ trong hoàn cảnh mới, rằng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ tăng từ 452 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020. Ông Phong cho rằng con số này được kỳ vọng sẽ sớm hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD khi thương mại đã trở thành một trụ cột trong mối quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong vòng 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt gần 82 tỷ USD, theo thống kê của US Census Bureau, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 73,6 tỷ USD và nhập khẩu gần 8,3 tỷ USD từ Hoa Kỳ.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tính chung trong giai đoạn 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230% trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng hơn 175%.
Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, theo VCCI. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á ký hiệp định thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên với mức thâm hụt thương mại ngày càng lớn của Mỹ với Việt Nam, hơn gấp đôi trong 5 năm qua, từ mức gần 32 tỷ USD lên hơn 65 tỷ USD tính tới tháng 9 năm nay, Việt Nam đã trở thành mục tiêu bị nhắm tới cho các tranh chấp thương mại từ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ của Mỹ và tạm thời không có các hành động áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sau hai cuộc điều tra về các hành vi tiền tệ và gỗ có nguồn gốc phi pháp được khởi xướng từ thời Trump. Tuy nhiên Việt Nam đã phải cam kết để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm thủ tướng đã cam kết rằng Việt Nam sẽ mua nhiều hàng hoá hơn từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại với quốc gia hiện đang hợp tác nhiều hơn với Việt Nam không chỉ riêng trong thương mại mà còn cả an ninh và quốc phòng.
Một trong những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện để “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ là cắt giảm thuế cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ. Chính phủ ở Hà Nội vừa công bố đợt cắt giảm thuế đối với thịt lợn đông lạnh, ngô và lúa mì nhập từ Mỹ không lâu sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam hồi cuối tháng 8.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, giá trị nhập khẩu hàng từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng lên thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lập nhà máy cũng như gia tăng lượng hàng từ các nhà cung ứng Hoa Kỳ.
Theo ông Phong, Việt Nam hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ vì có thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng với tăng trưởng tích cực và có kết nối chặt chẽ với thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các thị trường lớn khác trên thế giới nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Ông Phong hôm 16/11 nhận định rằng, nhiều cơ hội đầu tư thương mại giữa hai nước sẽ được mở ra khi có đường bay thẳng thường lệ của Vietnam Airlines giữa hai nước. Các chuyến bay này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 28/11 ban đầu với đường bay thẳng giữa TPHCM và San Francisco ở bờ tây của Mỹ.
Trong khi đó, theo Thời báo Tài chính, để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải lưu ý đến vấn đề gian lận thương mại. Mỹ trong những năm gần đây đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu, như tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp. Chỉ riêng trong năm ngoái, Mỹ đã tiến hành điều tra 8 vụ với hàng xuất khẩu của Việt Nam.